Đức: Bất đồng giữa lãnh đạo nhà trường và người học

Đức: Bất đồng giữa lãnh đạo nhà trường và người học

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà lãnh đạo tại nhiều trường ĐH ở Đức lo ngại, việc trì hoãn nhiều kỳ thi sẽ khiến các khóa học trong học kỳ mùa đông vào cuối năm nay trở nên quá tải.

“Các kỳ thi cần phải tiếp tục. Đây là niềm tin chung của chúng tôi. Điều quan trọng là phải có một học kỳ bắt buộc đối với tất cả mọi người”, ông Peter-Andre Alt - Chủ tịch Hội nghị Hiệu trưởng Đức, phát biểu. Cuộc tranh luận về vấn đề này đang diễn ra trên các tờ báo quốc gia Đức, làm dấy lên nhiều lo ngại về sự bất bình đẳng, khi những giáo sư và học giả trẻ đối mặt với nhiều khó khăn bởi hợp đồng có thời hạn.

“Hiện tại, có nhiều SV phải kiếm thêm thu nhập, hoặc gặp vấn đề về thị thực, hay có nhiệm vụ chăm sóc người thân. Thời điểm này, tất cả chúng ta đều đang học tại nhà”, Paula-Irene Villa - Giáo sư xã hội học và nghiên cứu về giới tại Trường ĐH Ludwig Maximilian Munchen, và là một trong những người khởi xướng bản kiến nghị, cho biết.

Cũng theo GS Paula-Irene Villa, câu trả lời của các tổ chức GD cần dựa trên tình huống thực tế mà nhà trường gặp phải, chứ không phải sự “lý tưởng, an toàn về tài chính”. Nữ GS này nhấn mạnh, việc chuyển sang giảng dạy trực tuyến mất nhiều thời gian hơn là chỉ nói: “Hãy truy cập vào Slack hoặc Zoom”.

Hơn 10.000 học giả và SV tại Đức đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi hoãn học kỳ mùa hè - vốn thường bắt đầu vào giữa tháng 4. Theo bản kiến nghị, người học sẽ không bị phạt nếu không thể học hoặc làm bài kiểm tra như bình thường. Ngoài ra, nhiều người cũng kêu gọi nhà trường gia hạn hợp đồng đối với giảng viên và giảm bớt khối lượng công việc khi chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến.

Tuy nhiên, GS Peter-Andre Alt tin rằng, giảng dạy trực tuyến sẽ trở thành gánh nặng lớn đối với các học giả, do đó, thời gian dành cho các hoạt động như thảo luận trên lớp sẽ ít hơn. “Nhìn chung, tôi không nghĩ rằng, các học giả sẽ phải thực hiện khối lượng công việc lớn hơn trước”, ông Peter-Andre Alt nói.

Bên cạnh những bất đồng, phần lớn các nhà lãnh đạo trường ĐH và người kiến nghị nhất trí rằng, gia hạn hợp đồng tạm thời đối với người lao động là điều cần thiết. “Ngoài ra, các môn học kỹ thuật bắt buộc thực hành ở phòng thí nghiệm hoặc giảng dạy thể chất có thể được kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 7”, GS Peter-Andre Alt nói thêm.

Chia sẻ về thời kỳ đầu trong sự nghiệp của mình khi thư viện trường ĐH bất ngờ phải đóng cửa, GS Peter-Andre Alt - một chuyên gia về văn học Đức, nhớ lại: “Nhưng tôi đã làm việc rất hiệu quả trong 2 tháng đó. Đây là một trong những giai đoạn năng suất nhất suốt cả đời tôi”.

Tuy nhiên, ông Peter-Andre Alt thừa nhận, nhiều học giả hiện phải làm việc trong sự hỗn loạn khi có trẻ em ở nhà. “Có một số vấn đề. Nhưng nếu các nhà khoa học không thể thành công sáng tạo, liệu ai có thể? Chắc chắn, đối với một số người, đây sẽ là một thời kỳ rất sáng tạo”, GS Alt nhận định.

GS Alt chia sẻ thêm, ông đã có nhiều tháng không đi hội nghị và có thể dành thời gian đọc sách nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng giống phần lớn phụ huynh khác, vị giáo sư này thường xuyên hỗ trợ hai con mình học tập trong thời gian Covid-19 bùng phát.

Theo GS Alt, đối với nhiều học giả và SV tại Đức, đại dịch đã khiến cuộc sống của họ rơi vào tình trạng khó khăn. “Một người đồng nghiệp của tôi có người thân đang rơi vào tình trạng nguy kịch vì nhiễm Covid-19. Trong khi đó, một số SV đang không biết sẽ trả tiền thuê nhà bằng cách nào. Đây là những điều hoàn toàn bình thường”, ông Alt cho biết.

Theo Times Higher Education

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ