Nợ sinh viên đeo bám người Mỹ đến khi nghỉ hưu

GD&TĐ - Vào đại học được cho là con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng chi phí để lấy bằng đại học tại Mỹ không đơn giản.

Nợ học phí khiến nhiều người dân Mỹ không thể mua nhà hay sinh con.
Nợ học phí khiến nhiều người dân Mỹ không thể mua nhà hay sinh con.

Nó kéo theo khoản nợ khổng lồ đeo bám người dân Mỹ từ lúc tốt nghiệp đến khi nghỉ hưu.

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức tài chính giáo dục Gallup Lumina Foundation Cost of College, cứ 4 người Mỹ thì 3 người phải gánh nợ sinh viên, khiến họ phải trì hoãn một trong những sự kiện quan trọng trong đời như mua nhà, sinh con hay kết hôn.

Chị Jes Evan, 35 tuổi, đã đăng ký vay vốn sinh viên để học thạc sĩ về nghiên cứu tôn giáo vào năm 2017. Ước mơ của chị là trở thành giảng viên tại một trường cao đẳng. Tuy nhiên, Jes không thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp mà phải chuyển sang làm những công việc thiếu kinh nghiệm.

Jes hiện là quản lý truyền thông và thanh thiếu niên tại một nhà thờ ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ. Jes cảm thấy bị mắc kẹt với khoản nợ sinh viên mà cô phải trả 940 USD mỗi tháng. “Cảm giác như bạn chìm trong nước cả đời. Tôi không thể đi du lịch, không thể xây dựng một gia đình vì tôi không đủ khả năng tài chính”, Jes nói.

Jes không hề đơn độc. Theo phỏng vấn của tờ CNN, nhiều người dân Mỹ cảm thấy chật vật với khoản nợ sinh viên khổng lồ. Một số người đã gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa trả nợ xong.

Ông Courtney Brown, người đứng đầu nghiên cứu về nợ sinh viên tại Gallup Lumina, cho biết, những người phải gánh nợ sinh viên không những không có con, mà còn không mua nhà, không tự kinh doanh.

Họ không có đủ khả năng chi tiền cho những mục tiêu cá nhân vì bận rộn với các khoản nợ. Vì vậy, hiện nay, chi phí là vấn đề số một khiến nhiều học sinh Mỹ không muốn vào đại học.

Khảo sát của Gallup Lumina cho thấy cứ 3 sinh viên Mỹ đang theo học đại học thì có một người cân nhắc bỏ học trong 6 tháng qua. Trong số đó, 31% đổ lỗi cho chi phí, tiếp theo là các lý do như căng thẳng, sức khỏe tâm thần.

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi học phí đại học Mỹ đang tăng cao. Theo công bố học phí cho mùa Thu năm 2024, nhiều trường đại học tư thục Mỹ, gồm trường ưu tú và tầm trung, đã nâng mức học phí lên gần 95 nghìn USD.

Một phần nguyên nhân của việc tăng học phí là nhiều gia đình trung lưu, thượng lưu sẵn sàng chi nhiều tiền, thậm chí đi vay, để con cái có được nền giáo dục tốt nhất.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã xóa khoản nợ sinh viên trị giá 153 tỷ USD cho những người đạt đủ điều kiện trả nợ. Một số người chỉ trích kế hoạch xóa nợ là không thể giải quyết gốc rễ vấn đề mà chỉ khuyến khích các trường đại học tăng học phí hơn nữa. Bởi lẽ, khoản nợ 153 tỷ USD chưa bằng 10% trong tổng số khoản nợ liên bang trị giá hơn nghìn tỷ USD.

Chính vì vậy, khi học phí các trường đại học tăng cao, gánh nợ học phí ngày một nặng nề, thanh thiếu niên Mỹ sẽ càng cân nhắc việc học đại học. Điều này kéo theo tỷ lệ học đại học trong nước suy giảm và Mỹ có thể phải phụ thuộc nhiều hơn vào sinh viên quốc tế.

“Người dân Mỹ vẫn coi trọng và muốn sở hữu bằng cấp. Nhưng họ ngày càng thất vọng, không phải vì chi phí quá cao, mà vì con số đó không tương xứng với bằng cấp thực nhận”, ông Courtney Brown, người đứng đầu nghiên cứu về nợ sinh viên tại Gallup Lumina, phân tích.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.