Lúc vui vẻ, em trai tôi có nói với con gái lớn của tôi (3 tuổi) rằng: “Từ nay ba mẹ có em bé rồi, hết thương bé Na rồi”. Tội nghiệp con bé, nó vùng vằng bỏ về phòng, khóc mếu máo. Tôi phải ẵm lên dỗ dành, rằng chú Út chỉ nói chơi, chọc ghẹo thôi. Một hồi con bé mới thôi khóc, khi nhận được cây kẹo từ người chú. Tôi kéo em trai mình ra phòng khách, giải thích cho chú hiểu rằng không nên nói thế. Bởi con bé sẽ cảm thấy hụt hẫng, lo sợ khi ba mẹ sẽ không thương mình nữa. Em tôi chưa lập gia đình, không hiểu được nỗi cơ cực khi giáo dục con thế nào nên mắc lỗi là lẽ tất nhiên.
Thực tế có rất nhiều trường hợp như thế xảy ra. Nhiều người lớn (dù đã lập gia đình, sinh con) cứ hay đem hai đứa bé ra so sánh rồi trêu chọc cho đứa chị (anh) hoặc đứa em khóc. Thực sự họ không ác ý, chỉ đùa chút cho vui xem phản ứng ở trẻ thế nào. Không riêng gì chuyện so sánh giữa hai đứa trẻ mà người lớn còn chọc trẻ kiểu: “Con học không giỏi thì ba mẹ sẽ không thương nữa”, “Khóc nhè hoài là ba mẹ sẽ đuổi ra khỏi nhà”, “Lì lợm là ông bà thảy xuống sông cho cá sấu ăn thịt”... Những kiểu đùa như thế thật không hay tí nào. Nó vừa mang tính bạo lực, vừa thể hiện sự bế tắc trong việc dạy con nên người.
Trí não trẻ con còn non nớt, không hiểu được đâu là nói đùa, nói thật nên nghe dọa sẽ khóc điếng lên, dỗi hờn, cáu giận... Chẳng hạn khi chọc: “Ba mẹ sẽ thương em, bỏ con” thì trẻ tưởng mình thành người thừa thãi, sinh ra căm ghét ba mẹ, không ưa em. Hoặc những đứa trẻ có tính điềm đạm, giận dỗi bỏ về phòng nằm, lâu ngày dễ sinh ra chứng tự kỷ. Đó là chưa nói trẻ xem em mình như kẻ thù, dẫn đến việc tình cảm anh em (chị em) xa cách. Điều đó làm cả gia đình không hạnh phúc ở hiện tại lẫn tương lai.
Vì vậy, người lớn cần hết sức tế nhị trong việc giao tiếp với trẻ em. Trêu đùa là một yếu tố cần có trong cuộc sống, dù ở độ tuổi nào. Nhưng phải suy xét kỹ trước khi hành động. Bởi trẻ rất nhạy cảm với những vấn đề xung quanh mình.