Giúp con tránh xa tâm lý "ngồi mát ăn bát vàng"

Khi nuôi dạy trẻ, bố mẹ nào cũng mong con mình không lười biếng. Nhưng để làm được điều này quả chẳng dễ dàng gì. Dưới đây sẽ mách bạn những bí quyết giúp nuôi dạy con không mang tâm lý “chờ sung rụng” vô cùng hiệu quả.

Giúp con tránh xa tâm lý "ngồi mát ăn bát vàng"

Tìm được sở thích và thế mạnh của con cái

Khi bố mẹ tìm được sở thích và thế mạnh của con cái thì sẽ rất dễ dạy con việc cần nỗ lực, phấn đấu thế nào cho tương lai. Khi xác định được sở thích của trẻ từ nhỏ sẽ giúp trẻ có động lực để cố gắng. Lúc này bố mẹ cũng chẳng phải lo lắng việc con sẽ bỏ nửa chừng vì có định hướng cụ thể, trẻ sẽ nỗ lực hết mình và không ngừng cố gắng. Lưu ý duy nhất ở đây là bố mẹ nên để cho con sống theo ước mơ sở thích của mình, đừng áp đặt con cái trong việc này. Chỉ cần phụ huynh thấu hiểu và tôn trọng sở thích của con thì sẽ dễ dàng giúp trẻ phát huy đam mê, tài năng thật sự của mình. 

Chữa bệnh “lười” cho con

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, lười biếng không phải là một đặc điểm của tính cách, vậy nên nó không phải thuộc về bẩm sinh và không thay đổi được. Vấn đề là bố mẹ có tinh ý nhận ra và giúp con sửa chữa bệnh “lười” hay không mà thôi. 

Thật ra, lười biếng chính là hậu quả của một quá trình, nó xuất phát từ sự nuông chiều của bố mẹ, hay sự thiếu động lực cho những ước mơ của tương lai. Vậy nên trong trường hợp này bố mẹ chỉ cần tìm ra mục tiêu cho trẻ và động viên chúng phấn đấu mà thôi. 

Chỉ có bố mẹ có tinh ý mới nhận ra và giúp con sửa chữa bệnh “lười” mà thôi. 

Một số trường hợp khác trẻ lười là do bị nhìn nhận sai khả năng của mình và phát hiện những điều mình yếu kém nên cứ sống theo tâm lý “ngồi mát ăn bát vàng”. Nếu trẻ nhà bạn đang lâm vào tình trạng này thì hãy gỡ rối cho bé bằng cách động viên trẻ cố gắng nhiều hơn và để trẻ biết được những thiếu sót của chính mình. Từ đây sẽ động viên trẻ nỗ lực khắc phục những yếu kém và tự tin hơn trên con đường chinh phục ước mơ. 

Động viên, khích lệ con

Một trong những điều khiến trẻ mang tâm lý lười biếng kéo dài đó chính là do bố mẹ không mấy quan tâm đến con trẻ. Khi bố mẹ không nắm bắt được tình trạng của con hiện tại sẽ chẳng thể nào đồng hành khiến trẻ nỗ lực, phấn đấu hơn. Trên thực tế, trẻ luôn muốn được động viên, tán thành và muốn phụ huynh tự hào về bản thân mình. Bố mẹ đừng vì bận rộn hay vô tâm mà nghĩ trẻ không quan tâm điều này, thực tế là các con rất chú ý đấy. 

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng sự khuyến khích và tin tưởng của bố mẹ về việc con đạt được thành công là điều mà nhiều phụ huynh không để ý. Vậy nên từ nay hãy chú ý và động viên con trẻ nhiều hơn. Bởi việc bố mẹ động viên và khuyến khích con là cách tạo ra động lực để trẻ cố gắng nhiều hơn đấy. Khi thiếu đi điều này, con của bạn cảm thấy không có ai chia sẻ và mất hết động lực. 

Dạy con hiểu về sự “hưởng thụ” và cho con biết sai lầm để học hỏi

Muốn con không lười biếng, bố mẹ cần dạy cho biết thế nào là sự hưởng thụ chân chính để con đừng mãi mang tâm lý “ngồi mát ăn bát vàng”. Hay bắt đầu việc này bằng việc cho trẻ tham gia các hoạt động thú vị trong cuộc sống như trồng cây xanh hoặc khám phá sở thích của chính bản thân mình hay làm những việc mang đến hạnh phúc cho người xung quanh. 

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên khuyến khích con làm hết sức mình và đừng la mắng trẻ khi gặp một vài thất bại nhỏ. Bởi các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc con luôn muốn tránh thất bại để phụ huynh không thất vọng khiến trẻ không dám vượt qua những thử thách có thể gặp thất bại. 

Bố mẹ cũng nên khuyến khích con làm hết sức mình và đừng la mắng trẻ khi gặp một vài thất bại nhỏ

Hãy cứ động viên để trẻ hiểu rằng kết quả ra sao vẫn không quan trọng bằng quá trình nỗ lực và cố gắng và sai lầm hay thất bại cũng chỉ là bài học để học hỏi, rút kinh nghiệm trong cuộc sống mà thôi. Cũng như hãy để trẻ biết rằng giá trị thật sự của mỗi người nằm ở sự nỗ lực, không phải dùng sự thất bại để hạ thấp giá trị bản thân.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ