Mỗi lần họp lớp, cả nhóm bạn học nữ của tôi, toàn nói chuyện “chuyên đề” về mẹ chồng - nàng dâu. Chuyện “xưa như trái đất”, ấy vậy mà nghe rất thích. Tuy nhiên, cùng với những câu chuyện vui mấy bà cũng không ngần ngại ca thán, kiểu như: Con dâu hổng biết việc bếp núc hay con dâu ỷ mang của hồi môn về rồi làm phách, đối xử tệ với cha mẹ chồng hoặc con dâu bắt nạt con trai… Những chuyện mà nàng dâu xưa không bao giờ dám.
Cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Hiện nay, mỗi đôi vợ chồng chỉ có một, hai con, nên các cô gái thường được nuông chiều. Không ít gia đình còn thuê người giúp việc, quản gia, tài xế, nên nhiều cô gái trẻ từ nhỏ đã “không động móng tay”, lớn lên “chẳng biết làm gì”.
Một nguyên nhân thuộc về khách quan là do xã hội “tôn vinh” sự bình đẳng thái quá, các thành viên trong gia đình, nhất là mẹ chồng với nàng dâu cũng cởi mở “bình đẳng” hơn. Từ đó dẫn tới việc nàng dâu mạnh dạn tranh luận với mẹ chồng. Có khi phản ứng thái quá, làm rạn nứt mối quan hệ dẫn đến bất hòa.
Chuyện cha mẹ dốc hết sức mình lo cho tương lai con cái là điều chính đáng. Nhưng đôi khi nhịp sống nhanh quá, cuốn người ta lao vào kiếm tiền mà quên chỉ dạy các kiến thức cơ bản cho con gái mình trước khi về làm dâu “nhà thiên hạ” nên mới xảy ra nhiều hệ lụy.
Nhiều bậc cha mẹ, cứ nghĩ cho con gái thật nhiều của hồi môn khi về nhà chồng là được. Thiết nghĩ tiền của là điều kiện cần chứ không phải là đủ. Nhiều bà đến ngày tiễn con về nhà chồng thì khóc bù lu bù loa, lo sợ con mình trở thành “con người ta” mà hằng ngày vô tình, không hề trang bị gì trước khi con lên xe hoa. Thực tế đã cho thấy không ít “nhà giàu cũng khóc” trong hoàn cảnh này.
Các bà mẹ chồng, (kể cả chị chồng, em chồng) theo lệ thường hay có tâm lý đố kỵ, luôn dòm ngó “đối phương”. Vì tò mò cũng có, để bắt lỗi bắt phải do ghen tỵ cũng có. Không thế mà dân gian tự ngàn xưa đã đúc kết thành ngữ: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”.
Không ít mẩu chuyện về về sự xung đột “mạn tính” đó. Từ trong tiểu thuyết đến các vở kịch, phim ảnh đã “có mặt” những nhân vật “mẹ chồng – nàng dâu” rất điển hình. Ban đầu thì các bà mẹ chồng, các chị em chồng nôn nóng “hân hoan chào đón” thêm một thành viên mới của gia đình. Nhưng lâu dần diễn biến quay ngược một trăm tám mươi độ, vì có nhiều xáo trộn sinh hoạt trong nhà, gây cho họ khó chịu.
Họ nghĩ, bỗng dưng “người ở đâu” mà đến chia sớt tình cảm, thậm chí cướp mất “cậu ấm của người ta”. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lâu nay luôn “phân chia giới tuyến” mẹ chồng – nàng dâu. Không ít bà mẹ chồng cứ hành hạ con dâu mà quên rằng điều đó làm cho con trai mình khổ sở. Thậm chí cháu nội mình cũng bị vạ lây.
Thiết nghĩ, kiến thức về sự “biết sống” trong gia đình bên chồng, ngoài sự dạy dỗ của cha mẹ, con gái lớn lên cũng nên biết “tự giáo dục mình” để hoàn thiện khi về làm dâu, nhằm sống phải đạo với nhà chồng.
Mẹ chồng thời @, nàng dâu thời @, tuy có nhiều thay đổi so với trước đây, khoảng cách hai bên cũng được rút ngắn. Họ cùng nhau phá vỡ những rào cản nhất định. Tuy nhiên, vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ. Rút kinh nghiệm từ người đi trước. Các nàng dâu nên biết nhún nhường, hiểu chuyện. Ý thức được vì đâu xảy ra sự bất hòa trong gia đình. Nhất là thay đổi nhận thức, nhằm tránh những xung đột không đáng có.
Cũng không ít người ngoài giáo dục con gái “công, dung, ngôn, hạnh” từ lúc nhỏ, còn dạy cả con trai biết hợp tác với vợ việc dạy con, giặt giũ, bếp núc... Có người bận rộn, tìm phương pháp giáo dục khác như mua sách “nữ công gia chánh”, phim truyện, có nội dung về tổ ấm gia đình... Cũng có thể đưa con gái, con dâu tới những nhà bạn “kiểu mẫu” để học cách ứng xử với mọi thành viên gia đình cho phải phép. Gián tiếp dạy con, hay dạy dâu hiện nay cũng có nhiều người áp dụng.
Nhiều người cho rằng, dạy gì thì dạy, nhưng người mẹ phải luôn là tấm gương sáng. Đó cũng là cách giáo dục con gái tốt nhất trước khi con gái mình về nhà chồng. Chắc rằng, điều này chẳng bao giờ sai, hay lỗi thời.