Dạy con thấy chuyện bất bình chẳng tha

Sẵn sàng đối mặt với thử thách, không bàng quan trước những chuyện bất bình, khơi dậy cách suy nghĩ độc lập, lòng dũng cảm của trẻ trước các tình huống đầy thử thách là những kỹ năng và giá trị sống quan trọng mà hiện nay vẫn là khoảng trống cần bồi đắp.

Dạy con thấy chuyện bất bình chẳng tha
Bị tẩy chay vì nghĩa hiệp
Anh Huy ở Q. Gò Vấp, TPHCM chia sẻ: “Con tôi 9 tuổi, Hải Anh cháu khá linh hoạt và sẵn sàng bảo vệ lẽ phải. Hôm trước ở lớp, một bạn thân của cháu bị các bạn trêu chọc và bắt nạt hội đồng. Thấy vậy, cháu liền đến ra tay can ngăn, không ngờ cháu bị nhóm bạn đó đánh cho te tua sưng cả mặt. Thế mà những đứa trẻ khác cùng chứng kiến mà không có lấy một phản ứng gì.
Có hôm, cháu thấy một bạn trong lớp lấy cắp đồ của bạn khác, thế là cháu bàn bạc với đứa bạn thân để báo cáo với cô giáo, ai ngờ người bạn đấy can ngăn lại còn “đe” con bé, nếu bạn nói cho cô biết thì các bạn khác sẽ “bo xì” không chơi với cháu nữa. Con gái tôi rất bất bình nhưng đành lặng im. Không hiểu sao tụi trẻ bây giờ lại dửng dưng, bình thản trước những điều xấu như thế? Tại sao ở chúng lại nảy sinh tâm lý chung là ngại đứng lên bảo vệ điều hay lẽ phải?

bullylead.jpg

Theo dõi các video clip trên mạng, chúng ta không khỏi xót xa trước hiện tượng nhiều trẻ hiện nay mắc phải hội chứng “makeno” (mặc kệ nó). Trước tình huống rất cần sự can thiệp của các em nhưng chúng vẫn thản nhiên như không, mặc dù không ít em có ý thức về sự việc và biết rõ được cách phải xử trí ra sao. Trong một số nghiên cứu gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng, trẻ em thành thị có biểu hiện tích cực về hành động cần được giúp đỡ người khác mà nhất là trong những trường hợp khẩn cấp chứng kiến tai nạn giao thông, đánh hội đồng...
Tuy nhiên, khi chúng tôi tiến hành các thực nghiệm để kiểm tra hành động của trẻ (một người bị đau đang cần giúp đỡ) thì kết quả ngược lại, phần lớn các em không hành động ngay thời điểm đó để giúp đỡ người khác, mà các em lại có biểu hiện như đứng nhìn hoặc đi qua mà không có phản ứng gì hoặc hỏi han, kêu gọi người khác thực hiện.
Do vậy, để giúp một đứa trẻ “thấy chuyện bất bình” là có ngay suy nghĩ tích cực và hành động nhanh chóng, kịp thời phù hợp với tình huống xảy ra trong thời điểm đó là rất cần thiết. Không chỉ hiểu mà còn phải biết hành động hiệu quả, đem lại lợi ích cho người khác nhưng phải đúng với chuẩn mực xã hội. Đó chính là kỹ năng cần thiết mà người lớn hiện nay cần phải quan tâm hình thành cho trẻ.
Theo TS giáo dục Nguyễn Minh Thức, Hội tâm lý - giáo dục Đồng Nai: “Những hành động tích cực như cứu người trong hoả hoạn, giúp đỡ người khác khi gặp nạn... là những hành động chính nghĩa cần được nhân rộng. Không phải ai cũng có thể sẵn sàng làm được, ngay cả người lớn cũng vậy. Nhiều người thiếu kỹ năng nhưng cũng có thể là họ bàng quan, không quan tâm. Thái độ đó đã ảnh hưởng xấu đến trẻ. Vì thế, người lớn cần gương mẫu trong lời nói cũng như việc làm để giáo dục con trẻ hiệu quả hơn”.
TS Thức nhấn mạnh: “Rất nhiều trẻ dũng cảm, tốt bụng, yêu thương mọi người, muốn được ra tay giúp đỡ người gặp hoạn nạn hoặc ra tay chống lại những điều trái với luân thường đạo lý. Những phẩm chất đó cần được ghi nhận và phát huy”.
3 yếu tố giúp trẻ hành động chính nghĩa
Trẻ cần được tôn trọng: Mỗi đứa trẻ khi muốn thể hiện ý định của mình thì nhất định phải được sự tôn trọng của những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Bởi nếu bị người lớn khinh thường và ngăn cản thì trẻ sẽ nhụt chí và không còn động lực để phấn đấu. Ngay trong gia đình, mỗi khi trẻ muốn làm những việc tốt thì người lớn nên ủng hộ và tạo điều kiện cho con thể hiện điều đó. Trẻ sẽ cảm thấy bản thân có giá trị khi được mọi người ghi nhận và tôn trọng.

depositphotos_12513920_l-1024x827.jpg

Chấp nhận sự khác biệt: Khi đứa trẻ làm một việc tốt thì mới đầu có thể bị những đứa trẻ khác cho là chơi trội nên dễ bị tẩy chay hoặc bị tác động tiêu cực từ tâm lý đám đông (la ó, trêu chọc, coi thường, di biệt,...). Tuy nhiên, hành động của trẻ dù có khác biệt nhưng là hành động có ý nghĩa thiết thực thì nên giúp đỡ cỗ vũ trẻ, hãy lấy đó là hành động đáng nêu gương để các bạn trong lớp cùng nhau học tập, noi theo. Đồng thời, chấn chỉnh thái độ dửng dưng, bàng quan, xem thường người khác, từ đó giúp các em có được những hành động tích cực.
Động viên, giúp đỡ để trẻ thử sức: Muốn trẻ thực hiện hành động mang giá trị xã hội cao một cách nhanh chóng và tự giác thì hãy tạo điều kiện cho trẻ được thử sức. Thông qua các bài tập tình huống giả định đã chuẩn bị trước (ví dụ như các tình huống gặp phải tai nạn, hoả hoạn, nhìn thấy người đang bị đánh hội đồng, người đang bị đuối nước...).
Đặc biệt, hãy tạo điều kiện cho con trẻ được trải nghiệm với những khó khăn thử thách qua đó mà rèn con cách xử trí các tình huống gặp phải sao cho phù hợp nhất (cho con giải quyết việc nhà một cách độc lập: nấu nướng, khắc phục sự cố trong nhà, tiếp khách giúp cha mẹ, xử trí khi gặp người lạ...). Tất nhiên, trẻ tự trải nghiệm nhưng phải có sự theo dõi, điều chỉnh, kiểm tra kịp thời của người lớn để giúp trẻ tránh khỏi những sai lầm không đáng có.
Sẵn sàng đối mặt với thử thách, không bàng quan trước những chuyện bất bình, khơi dậy cách suy nghĩ độc lập, lòng dũng cảm của trẻ trước các tình huống đầy thử thách là những kỹ năng và giá trị sống quan trọng mà hiện nay vẫn là khoảng trống cần phải bồi đắp. Hình thành nên phẩm chất này là cả một quá trình, trẻ không chỉ dừng lại ở chỗ cảm nhận, suy nghĩ để hiểu, mà còn phải biết hành động vì cái đúng, thích được hành động vì chính nghĩa và thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vì thế, các bậc cha mẹ cần kiên trì theo suốt chặng đường khôn lớn, trưởng thành của con.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ