Nhiều bậc cha mẹ ngày nay có xu hướng so sánh con mình với "con nhà người ta" ngay từ khi con còn rất nhỏ. Vậy mới có những câu chuyện dở khóc dở cười vì một số cha mẹ "ngã ngửa" vì con mình không phải là thần đồng như mình nghĩ mà thực chất lại đang mắc bệnh.
Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương: Cây tre phải dùng 4 năm đầu để mọc được 3cm, nhưng từ năm thứ 5 trở đi, nó có thể mọc 30cm mỗi ngày và chỉ trong vòng 6 tuần nó có thể mọc được 15m. Thực ra, cây tre đã sử dụng 4 năm đầu chỉ để phát triển bộ rễ của nó.
Như vậy, thực tế các bố mẹ thường nghĩ con cần học càng sớm càng tốt là một quan điểm sai lầm. Từ 0 đến 6 tuổi, ngoài việc học rất nhiều kĩ năng, con cần tập trung sức lực để lớn lên, phát triển đầy đủ các bộ phận cơ thể. Đây là giai đoạn phát triển nền tảng. Vì thế, những món nền tảng cơ bản như sức khỏe, kĩ năng, đạo đức cần được chú trọng giáo dục hơn cả.
Nếu con được rèn luyện tính kiên nhẫn, về sau con học hành hay làm việc gì cũng dễ thành công. Nếu con được rèn tính lễ phép, sau này con sẽ dễ được yêu quý và làm mọi việc thuận lợi. Nếu con có tính tự giác, mọi việc con sẽ sắp xếp theo kế hoạch và sau này con học tập rất dễ dàng tự giác.
Nếu con biết tự lo thân tốt thì sau này con có thể sống tốt mọi lúc mọi nơi dù bố mẹ có ở nhà hay không? Điều này sẽ giúp con tự chủ, tự lập trong sinh hoạt và cuộc sống.
Nếu sức khỏe con cũng được phát triển tốt, con khỏe mạnh dù đen nhẻm, nhanh nhẹn, thì sau này con sẽ ít ốm, vui tươi. Việc đó sẽ khiến con có thể dễ dàng theo đuổi mọi điều con mong muốn. Sức khỏe càng tốt, con càng có nhiều cơ hội để vươn cao trong học tập và công việc.
Cũng như cây tre, sức khỏe, kĩ năng và đạo đức là gốc rễ của con người. Tuổi nhỏ, con cần tập trung để phát triển"bộ rễ". Nếu bộ rễ phát triển tốt, khi vào lớp 1 trở đi, con sẽ trưởng thành nhanh, phát triển rất nhanh. Nếu bộ rễ không được chú trọng phát triển tốt, nghĩa là các con không được chú trọng rèn luyện sức khỏe, đạo đức và kĩ năng, con sẽ gặp vô khối khó khăn khi ra đời. Con sẽ không thể học tập tốt hay làm việc tốt được.
Cụ thể với trào lưu "nhồi" tiếng Anh ngay khi con còn chưa biết nói tiếng Việt của nhiều cha mẹ hiện nay, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: Đọc viết, tiếng Anh chỉ là thứ công cụ để con sử dụng sau này khi ra đời. Nó chỉ như chiếc lá trên cành cây tre. Cây tre già vẫn có thể ra lá, cũng như một cụ già vẫn có thể học tốt một ngoại ngữ mới.
Nhưng nếu khi còn non, bộ rễ không được chú tâm phát triển, cây tre dù có xum xuê cành lá cũng nhanh chóng èo uột, chậm lớn mà thôi.
Dục tốc bất đạt, ở mỗi một giai đoạn của cuộc đời, ta chỉ nên tập trung phát triển một nhiệm vụ trọng tâm nào đó. Nếu tham lam ép con học tất cả, con sẽ học rất rộng nhưng không sâu. Sau đó mọi thứ sẽ chỉ mờ nhạt, luễnh loãng chứ không sâu sắc, rõ nét.