Đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Cần giải pháp đồng bộ, khả thi

GD&TĐ - Thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, nhiều giải pháp cần được ưu tiên triển khai ngay từ năm học 2024 - 2025...

Giờ học tiếng Anh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh minh họa: INT
Giờ học tiếng Anh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh minh họa: INT

PGS.TS Trần Kiêm Minh - Trưởng khoa Toán học, Trường ĐHSP, ĐH Huế: Những nội dung cần ưu tiên triển khai

Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cần tiếp cận tổng thể, tập trung vào các nhiệm vụ và nội dung chính là điều cần thiết. Theo tôi, những nội dung sau cần được ưu tiên triển khai từ năm học 2024 - 2025:

can giai phap dong bo kha thi3.jpg
PGS.TS Trần Kiêm Minh.

Thứ nhất, tích hợp và điều chỉnh chương trình giáo dục. Chương trình GDPT môn Tiếng Anh cần theo hướng thực tế và tập trung nhiều hơn vào năng lực giao tiếp, việc sử dụng thực tế của tiếng Anh, thay vì chú trọng khả năng ghi nhớ, thuộc lòng. Nên chuyển dần sang phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh theo hướng tập trung chủ yếu vào kỹ năng nghe và nói.

Ngoài ra, chúng ta cần khởi động, thúc đẩy mạnh việc dạy học các môn học khác ở phổ thông, trước mắt là môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng hình thức, phương pháp dạy học song ngữ. Ưu tiên triển khai trước với trường đáp ứng đủ điều kiện. Đây là bước chuyển để tiến tới dạy học các môn này hoàn toàn bằng tiếng Anh trong nhà trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần biên soạn các phiên bản SGK, tài liệu, tài nguyên học tập song ngữ với môn Toán, Khoa học. Trải nghiệm học tập với tài liệu song ngữ là bước cần thiết để dần chuyển tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Thứ hai, đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn thường xuyên. Hiện, một vài trường ĐH sư phạm trọng điểm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có nhiều kinh nghiệm triển khai đào tạo bằng tiếng Anh cho sinh viên ĐH các ngành Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên. Cần có chính sách đầu tư cho trường sư phạm có chương trình đào tạo giáo viên bằng tiếng Anh như vậy, để chuẩn hóa chất lượng và bảo đảm nguồn nhân lực giáo viên có thể dạy học chuyên môn bằng tiếng Anh, từ mầm non đến THPT.

Mặt khác, cần lựa chọn giáo viên tiếng Anh, các môn Khoa học tự nhiên, mầm non, tiểu học có khả năng tiếng Anh để tiến hành bồi dưỡng chuyên môn liên tục, tập trung vào khả năng giao tiếp và phương pháp dạy học chuyên môn bằng tiếng Anh. Một biện pháp khả thi khác là tuyển dụng thêm giáo viên nước ngoài lưu loát tiếng Anh, giáo viên bản ngữ để đảm nhận một phần các môn học hay hoạt động giáo dục ở nhà trường, nhằm dần cải thiện và nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh.

Việc đưa tiếng Anh vào dạy học ở mầm non và tiểu học càng quan trọng, giúp trẻ sớm có môi trường giao tiếp song ngữ và thời gian thẩm thấu một cách tự nhiên. Tất nhiên, chúng ta nên tiến hành dần dần, bắt đầu từ những trường đủ điều kiện cơ bản, sau đó mở rộng và lan tỏa.

Thứ ba, thúc đẩy giao tiếp bằng tiếng Anh hằng ngày trong nhà trường. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học có nghĩa các hoạt động học tập, tương tác trong nhà trường được thực hiện bằng tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong lớp học, giao tiếp hằng ngày ở trường, các thông báo, hoạt động ngoại khóa.

Bên cạnh thí điểm dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh, nhà trường nên thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh và những góc trò chuyện, nơi học sinh có thể thực hành nói chuyện bằng tiếng Anh. Khuyến khích nhà trường tổ chức các sự kiện cộng đồng bằng tiếng Anh để mở rộng việc giao tiếp tiếng Anh ra ngoài ngữ cảnh lớp học.

Thứ tư, hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, hiển nhiên chúng ta cần thể chế hóa bằng các nghị quyết, nghị định, thông tư để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Đó là những chính sách liên quan đến đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất, biên soạn SGK song ngữ và các tài liệu học tập hỗ trợ. Đi kèm đó là mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, điều kiện để đạt các mục tiêu trung gian và góp phần thực hiện thành công mục tiêu tổng quát.

Bằng cách ưu tiên các nhiệm vụ này, chúng ta có thể đạt được bước tiến đáng kể hướng tới việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong hệ thống giáo dục, cuối cùng là nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.

GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Chia sẻ một số kinh nghiệm

can giai phap dong bo kha thi5.jpg
GS.TS Thái Văn Thành.

Ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành để rà soát, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai toàn diện Kết luận số 91-KL/TW. Riêng nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, ngành Giáo dục sẽ tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết hoặc Chỉ thị của BCH Đảng bộ tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án về thực hiện nhiệm vụ này.

Thực tế, tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/11/2021 về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu về chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy học tin học, ngoại ngữ.

Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Ngoại ngữ 2445 về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 03-NQ/TU và Đề án Ngoại ngữ 2445 như sau:

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình dạy học, bao gồm chương trình chung của Bộ GD&ĐT, các chương trình tiếng Anh tăng cường theo chuẩn quốc tế. Việc xây dựng chương trình tăng cường cho cơ sở giáo dục được các tổ chức giáo dục quốc tế, chuyên gia, giáo viên bản ngữ, cốt cán hỗ trợ đảm bảo phù hợp mỗi cơ sở giáo dục và từng bước theo chuẩn quốc tế.

Thứ hai, tập trung phát triển đội ngũ. Sở tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện khảo sát năng lực giáo viên phổ thông dạy tiếng Anh, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn quốc tế. Sở đã phối hợp tổ chức giáo dục quốc tế IIG để khảo sát năng lực giáo viên theo các kỹ năng (có 2.600 giáo viên được khảo sát). Kết quả đánh giá năng lực giáo viên cho từng kỹ năng là khách quan.

Kết quả này được gửi riêng cho từng thầy cô, hiệu trưởng nhà trường và không công khai. Sở GD&ĐT sử dụng kết quả này để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên theo kỹ năng và mức điểm đạt theo chuẩn. Đây là điểm khác biệt trong công tác bồi dưỡng so với các lớp bồi dưỡng khác, đó là bồi dưỡng chung nhiều đối tượng theo một lớp, khó đạt hiệu quả.

Theo lộ trình, sở tổ chức được một số đợt bồi dưỡng trong thời gian hè theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho hơn 1.000 giáo viên. Trong đó, bồi dưỡng thi chứng chỉ IELTS đạt 7.0 cho 50 giáo viên cốt cán cấp THPT và đạt 5.5 trở lên cho giáo viên cốt cán cấp THCS; bồi dưỡng thi chứng chỉ TOEIC đạt 701 điểm trở lên cho 300 giáo viên cấp tiểu học, THCS và THPT; bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm để phục vụ dạy môn Tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 cho 400 giáo viên tiếng Anh các cấp học; bồi dưỡng dạy tích hợp tiếng Anh với các môn Toán và Khoa học cho 200 giáo viên tiểu học…

Việc bồi dưỡng giáo viên để dạy tích hợp tiếng Anh với các môn Toán, Khoa học tự nhiên (cấp THCS), Vật lí, Hóa học, Sinh học (cấp THPT) được đẩy mạnh thời gian tới, bởi đây là một hướng đi trong thực hiện nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại trường học.

Song song đó là quan tâm chính sách ưu tiên công tác tuyển dụng giáo viên. Trong tuyển dụng, các giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được ưu tiên.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ dạy học. Tham mưu UBND tỉnh đầu tư phòng học ngoại ngữ, phòng học thông minh, màn hình thông minh phục vụ dạy học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa qua doanh nghiệp, cựu học sinh nhà trường.

Đây là điều kiện quan trọng để đa dạng cách thức tổ chức dạy học ngoại ngữ về hình thức (trực tiếp, trực tuyến) và phương pháp dạy học. Nhờ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng CNTT từng bước đáp ứng, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh dạy tiếng Anh trực tuyến tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng khó khăn khi chưa có nhiều trung tâm ngoại ngữ, thiếu giáo viên bản ngữ.

Thứ tư, sử dụng cơ chế, chính sách thúc đẩy dạy học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường, tăng cường hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong dạy học ngoại ngữ. Tạo điều kiện để thành lập các trung tâm ngoại ngữ có chất lượng, giáo viên bản ngữ tại các huyện vùng khó khăn và miền núi. Xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đã sử dụng để xét tuyển thẳng vào lớp đầu cấp).

Thứ năm, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường. Đối với trường học, tăng cường sử dụng ngoại ngữ ở các giờ học ngoại ngữ; tổ chức các câu lạc bộ, sân chơi sử dụng tiếng Anh. Đối với ngoài nhà trường, tổ chức festival, hội chợ… sử dụng tiếng Anh tại thành phố Vinh và địa phương gắn với du lịch như Cửa Lò, Nam Đàn, Con Cuông.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Giang - nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Thay đổi cách dạy, học và kiểm tra đánh giá

can giai phap dong bo kha thi8.jpg
Thạc sĩ Trần Thị Thu Giang.

Chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là đúng đắn. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong đợi, với tư cách người dạy và cha mẹ học sinh, sinh viên, là những đường lối và kế hoạch thực hiện thực tế, hiệu quả.

Cụ thể, về địa bàn địa lý, những nơi nào nhất định thực hiện, nơi nào có sự lựa chọn ngôn ngữ thứ 2 không phải là tiếng Anh.

Về thời gian thực hiện, trong Kết luận 91 có dùng từ “từng bước”, vậy kế hoạch thực hiện sẽ có những bước nào, đến bao giờ hoàn thành từng bước và các bước? Tiếp nữa, khi thành công, kết quả của “Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học” sẽ đi vào cuộc sống thế nào, có đo lường được lợi ích đem lại không?

Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần nâng cao nhận thức việc tại sao cần tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Sinh viên sư phạm tiếng Anh phải được học phương pháp giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (ESL - English as a Second Language), chứ không phải tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL - English as a Foreign Language).

Bồi dưỡng/đào tạo lại giáo viên về phương pháp dạy ESL, từ đó thay đổi cách dạy, học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời, nhà trường và giáo viên phải xây dựng môi trường sử dụng tiếng Anh, để học sinh, sinh viên, giáo viên và nhân viên có nhiều thời gian dùng tiếng Anh trong nhà trường (đã có nhiều mô hình như vậy).

Cô Đinh Thái Hà - Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình): Ưu tiên nâng cao năng lực giáo viên

can giai phap dong bo kha thi6.jpg
Cô Đinh Thái Hà.

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là mục tiêu không dễ, nhưng không phải không làm được. Là giáo viên, tôi mong muốn có sự hỗ trợ từ các cấp quản lý, cơ quan chức năng.

Trước tiên, cần có chương trình đào tạo liên tục và chất lượng cho giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu (như C1 khung năng lực 6 bậc, hoặc IELTS) hằng năm hoặc theo định kỳ ngắn hạn, có đánh giá để nâng cao năng lực nghe, nói, đọc, viết và sử dụng tiếng Anh, đảm bảo đủ cho việc dạy học.

Thứ hai, nâng cao năng lực, kỹ năng và phương pháp cho đội ngũ giáo viên rất quan trọng để có thể áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả nhất nhằm đem lại lợi ích cho người học, giúp người học đủ khả năng tiếp nhận kiến thức thông qua ngôn ngữ này.

Thứ ba, cần có sự hỗ trợ về tài liệu giảng dạy, thiết bị học tập. Các tài liệu này nên cập nhật thường xuyên, phù hợp với xu hướng, nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, hoặc các buổi giao lưu với người bản ngữ cũng là giải pháp hiệu quả để khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế.

Một yêu cầu quan trọng nữa cần tạo ra các chương trình, hoạt động kết nối học sinh với môi trường tiếng Anh, không chỉ trong lớp học mà trong sinh hoạt hằng ngày. Điều này sẽ tạo động lực, làm tăng khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh. Cuối cùng, đánh giá và theo dõi tiến trình học sinh cần được thực hiện thường xuyên để điều chỉnh phương pháp giảng dạy kịp thời, đảm bảo đạt mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học một cách hiệu quả nhất.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Trong quá trình triển khai các giải pháp trên, quan điểm xuyên suốt của ngành Giáo dục Nghệ An: “Tiếng Anh là ưu tiên hàng đầu đối với học sinh Nghệ An, tạo cơ hội để học sinh hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm”.

Với giải pháp, kinh nghiệm đã có, khi vai trò của tiếng Anh được Bộ Chính trị khẳng định, cùng với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, ngay đầu năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục sẽ có cơ sở để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giải pháp phù hợp, khả thi để thực hiện nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.