Đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Những tiền đề thuận lợi

GD&TĐ - Trong những năm qua, tầm nhìn chiến lược của TPHCM luôn hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập toàn cầu.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TPHCM) trong tiết học theo Chương trình tiếng Anh tích hợp. Ảnh: K.B
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TPHCM) trong tiết học theo Chương trình tiếng Anh tích hợp. Ảnh: K.B

Trong đó, việc chú trọng triển khai các mô hình, chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh đã tạo tiền đề để địa phương sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại trường học.

Tín hiệu lạc quan

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo được sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ, địa phương, đầu tư của phụ huynh học sinh. Tại TPHCM, nhiều cha mẹ cho con học tiếng Anh từ sớm để đạt được mục tiêu từng giai đoạn học tập ở trường phổ thông.

Anh Nguyễn Trọng Tuân có con học lớp 5 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ, gia đình cho con học tiếng Anh từ khi 4 tuổi. Theo phụ huynh này, đầu tư học ngoại ngữ là tất yếu, chìa khóa mở cửa tương lai, giúp học sinh đạt các mục tiêu khác nhau trong sự nghiệp. “Tôi nghĩ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là điều tuyệt vời và phù hợp với xu hướng thời đại”, anh Tuân chia sẻ.

Ở góc độ nhà trường, thầy Nguyễn Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) cho rằng, phụ huynh nhiều trường học tại TPHCM sẽ ủng hộ chủ trương này. Bởi trên thực tế, hầu hết cha mẹ mong muốn trẻ được học trong môi trường tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Khi đó, các em có nhiều cơ hội phát triển và hội nhập.

“TPHCM có nhiều lợi thế để thực hiện tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường phổ thông công lập. Bởi từ lâu, thành phố có nhiều chương trình dạy tiếng Anh mang lại hiệu quả và được phụ huynh tín nhiệm. Mặt khác, kết quả thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi của thành phố và quốc gia hằng năm đều cao, cho thấy sự sẵn sàng về năng lực của học sinh”, thầy Tài chia sẻ.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Tú - Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) bày tỏ sự vui mừng trước thông tin TPHCM sẽ thí điểm tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường phổ thông.

Cùng quan điểm với thầy Nguyễn Tấn Tài, cô cho rằng, thông tin này sẽ nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Với học sinh Trường Trung học Thực hành, tiếng Anh luôn là thế mạnh bởi kết quả môn Tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường hằng năm luôn cao hơn điểm trung bình thành phố khoảng 3 điểm; 90% học sinh lớp 12 của trường có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4.5 - 8.5.

Mô hình trường chất lượng cao, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế… cũng là thuận lợi để thúc đẩy học ngoại ngữ của học sinh nhà trường. Khi có thêm cơ chế pháp lý, việc thúc đẩy dạy và học tiếng Anh của nhà trường càng thuận lợi.

TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Tiếng Anh (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, TPHCM có nhiều thuận lợi khi tiếng Anh là ngôn ngữ dạy học thứ 2. Thứ nhất, tầm nhìn chiến lược của địa phương này luôn hướng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập toàn cầu. Cùng đó là hệ thống giáo dục khá tiên tiến với động lực đổi mới mạnh mẽ, đội ngũ giáo viên chất lượng và giàu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng - công nghệ thông tin phát triển.

“TPHCM chắc chắn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, phụ huynh và các tổ chức quốc tế khi đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Tiềm lực xã hội hóa cho giáo dục ngoại ngữ ở TPHCM rất mạnh mẽ và dồi dào”, TS Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Nhung tien de thuan loi 2.jpg
Giờ học của trẻ Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12, TPHCM). Ảnh: H.P

Thí điểm từ năm học 2025 - 2026

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đơn vị đang xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Sau khi hoàn thành bộ tiêu chí, ngành Giáo dục sẽ triển khai thí điểm ở một số đơn vị từ năm học 2025 - 2026.

“Các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT TPHCM đang rà soát các nội dung xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Trong đó, tiêu chí sẽ quy định cụ thể số môn học bằng tiếng Anh, thời lượng học sinh sử dụng tiếng Anh và một số chuẩn đánh giá... để trường học được công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2”, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc thí điểm có điểm thuận lợi cơ bản là người dân ủng hộ, vì thành phố có 99% học sinh học tiếng Anh từ lớp 1. Những năm qua, TPHCM thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông từ cấp tiểu học, THCS, THPT.

Cụ thể, ở chương trình tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường và đặc biệt 10 năm nay, TPHCM thực hiện dạy và học các môn Toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh theo Quyết định 5695/2014 (Chương trình tích hợp) của UBND thành phố.

Nhờ đó, trình độ tiếng Anh và giao tiếp bằng tiếng Anh ngoài xã hội của học sinh tương đối tốt. Thành phố là địa phương 8 năm liền đứng đầu cả nước về điểm thi môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi học hết phổ thông, nhiều học sinh đủ năng lực để học các trường đại học quốc tế tại TPHCM hoặc đi du học.

“Dự kiến, việc triển khai thí điểm tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường sẽ sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước, kết hợp các mô hình xã hội hóa, nhằm tăng thêm điều kiện giảng dạy cho các trường học. Trong đó, tập trung các yêu cầu về nâng cao năng lực giáo viên, trang bị cơ sở vật chất dạy học hiện đại. Việc thí điểm sẽ áp dụng cho các cấp học gồm mầm non, tiểu học, THCS và THPT”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của ngành GD-ĐT TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh:

“TPHCM là đầu tàu kinh tế, không chỉ của đất nước mà cả khu vực, trình độ tiếng Anh của học sinh phải ngang tầm khu vực và thế giới. Những kết quả của TPHCM, đặc biệt ở lĩnh vực tiếng Anh, khi 8 năm liền dẫn đầu cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT là điểm nhấn đáng ghi nhận, chứng tỏ nhiều mô hình, đề án, chương trình của thành phố đạt hiệu quả. Tôi mong muốn TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên có trường học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.