Chương trình đánh dấu sự kiện đầu tiên trong hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã mang tới một luồng gió mới trong cách thưởng thức nhạc giao hưởng thính phòng - thứ nhạc sang trọng vốn kén khán giả, vốn đóng khung trong khán phòng đến đông đảo công chúng yêu nhạc.
Thu hút nhiều người thưởng thức
Lần đầu tiên, tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong không gian phố đi bộ cuối tuần, người Hà Nội được thưởng thức miễn phí chương trình hòa nhạc đỉnh cao của thế giới do Dàn nhạc Giao hưởng London (Anh) biểu diễn. Buổi hòa nhạc (tối 4/3) đã thu hút hàng nghìn người.
Khán giả vốn quen thuộc với nghệ thuật âm nhạc giao hưởng trong khán phòng, lần này đi nghe nhạc giao hưởng trực tiếp ngoài trời là một trải nghiệm vừa lạ lẫm vừa quen thuộc mang lại nhiều cảm xúc.
Mở đầu là bản Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) của Văn Cao. Bản nhạc do nhạc sĩ trẻ Lưu Quang Minh chuyển soạn cho Dàn nhạc Giao hưởng London và đã được tập luyện từ nhiều tháng nay khiến nhiều khán giả vô cùng hứng thú và xúc động.
Nối tiếp là những tác phẩm xuất sắc: Festive Overture thường chơi trong các dịp lễ hội của nhà soạn nhạc Shostakovich (Nga), Four Sea Interludes của nhà soạn nhạc Britten (Anh) với 3 khoảnh khắc “Bình minh”, “Sáng Chủ nhật” và “Bão tố” ở biển.
Ngay khi bản Festive Overture của Dmitri Dmitrievich Shostakovich cất lên, khán giả không ngớt vỗ tay tán thưởng dành cho dàn nhạc. Shostakovich có ảnh hưởng mạnh mẽ tới âm nhạc thế kỷ 20 và được biết đến với một chút nổi loạn trong các tác phẩm của mình.
Bản Festive Overture mang trong mình âm hưởng của thời đại với không khí tươi vui, thắng lợi nhưng đồng thời vẫn hàm chứa dấu ấn của riêng người nhạc sĩ.
Đêm hòa nhạc kết lại bằng Bản giao hưởng số 2 được coi là bản giao hưởng sáng chói nhất của Rachmaninov gồm 4 chương gắn với 4 mùa trong năm.
Qua chương trình này, vẻ đẹp của Hà Nội và Việt Nam cũng được quảng bá ra thế giới qua các kênh truyền thông BBC, CNN và trang web của Dàn nhạc Giao hưởng London với hàng triệu khán giả theo dõi.
Nỗ lực tiếp cận công chúng
Những năm gần đây, đã có nhiều dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ thế giới và những nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam biểu diễn, nhưng thường chỉ trong khán phòng, nơi dành cho vài trăm người xem.
Chương trình lần này là bước tiến trên con đường đem những giá trị văn hoá đỉnh cao thế giới đến với công chúng Việt Nam, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam luôn thân thiện đến với cộng đồng quốc tế.
Gần đây, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm xuống đường, ra phố, về nông thôn tìm khán thính giả.
Chẳng hạn, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án âm nhạc cộng đồng lớn mang tên “Luala concert” – định kỳ hàng tuần đưa nhạc giao hưởng, thính phòng ra khỏi nhà hát, đi biểu diễn ngay trên vỉa hè Hà Nội.
Nhiều năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đăng cai tổ chức Festival Âm nhạc mới Á - Âu quy tụ những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, những nhạc công hàng đầu của các dàn nhạc danh tiếng, mang đến cho công chúng “bữa tiệc” âm nhạc đỉnh cao...
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ: “Nếu cứ sơn son thếp vàng, đóng khung nhạc cổ điển trong nhà hát thì không mấy ai biết về nó cả.
Đưa nhạc cổ điển ra đường phố, hòa nhập nó với đời sống dân dã, mọi người sẽ nhận ra nó gần gũi và sau đó họ sẽ không ngại đến nhà hát nghe hòa nhạc. Khi ấy nhạc giao hưởng, thính phòng sẽ có khán giả và sẽ phát triển bền vững”.