Những nguồn lực mới
Thời gian gần đây, các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tích cực giảng dạy STEM lồng ghép một cách hợp lý trong bài học, môn học. Tại Trường TH Trần Quốc Toản, 28 lớp đã triển khai giảng dạy giáo dục STEM. Cụ thể như: Xây tháp bằng que tăm, mì ý, que diêm được giáo viên đưa vào nội dung các tiết sinh hoạt lớp, vừa dạy được STEM, vừa hướng dẫn học sinh tinh thần đoàn kết và ý thức làm việc nhóm; các sản phẩm tái chế lồng ghép với việc giáo dục ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường…
Theo đại diện nhà trường, STEM tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và khám phá các kiến thức khoa học từ những điều gần gũi, thấy được sức mạnh của khoa học đối với đời sống của con người và yêu quý thế giới tự nhiên xung quanh. Giáo dục STEM thật sự không phải biến học sinh thành nhà khoa học, kỹ sư mà là chuẩn bị cho công dân toàn cầu thế hệ mới…
Xác định giáo dục STEM giúp thay đổi phương pháp dạy học từ lối truyền thụ kiến thức một chiều mang nặng tính hàn lâm sang cách dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh, truyền cảm hứng trong học tập; đồng thời giáo dục STEM còn làm đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh; khích lệ học sinh tự học, tự nghiên cứu, đam mê với khoa học…,
Trường THCS Thanh Quan đã đưa giáo dục STEM vào dạy học theo từng lộ trình. Hiệu trưởng Bùi Thị Phương Mai cho biết: Nhà trường đã yêu cầu các tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy có lồng ghép các hoạt động giáo dục STEM ở tất cả các bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Công nghệ…
Qua các bài dạy áp dụng STEM, đa phần giáo viên và học sinh đều nhận thấy tiết học rất bổ ích và lý thú; học sinh đã được áp dụng kiến thức vừa học vào thực tiễn cuộc sống để tạo ra các sản phẩm hữu ích phục vụ cho việc học tập và đời sống.
Những sản phẩm sáng tạo, độc đáo của học sinh Trường TH Thăng Long, như: Trái tim xanh, đường giao thông, ngày và đêm trên Trái đất, xích đu 4.0, xe ben tự đổ… đã phản ánh rõ nét hoạt động giáo dục STEM của nhà trường. Bà Hồ Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ban đầu khi hỏi về STEM, nhiều học sinh “lắc đầu” vì đây là khái niệm mới, có em thì đã nghe nhưng chưa hiểu nhiều về STEM…
Tuy nhiên, khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm, được bắt tay vào thực hiện các mô hình sản phẩm, thực hiện các thí nghiệm, dần dần các em hiểu được về STEM, từ đó rất hào hứng và tích cực vận dụng STEM vào học tập, thực hành.
Vai trò của giáo dục STEM bước đầu đã được các nhà trường đón nhận và triển khai, tuy nhiên để được áp dụng rộng rãi thì cũng còn nhiều bỡ ngỡ.
Nhiều trải nghiệm thú vị
Nằm trong số những trường học sớm nhất tiếp cận STEM và sau đó là STEAM - có bổ sung yếu tố Nghệ thuật (Art) vào STEM để kết hợp giữa tư duy, kiến thức, kỹ năng khoa học sáng tạo với nghệ thuật, Trường Phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn STEM cho giáo viên, xây dựng phòng học STEM riêng biệt và lồng ghép nhiều tiết học STEAM vào chương trình đào tạo.
Nhà trường đã xây dựng 3 phòng thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế với thiết bị và dụng cụ thực hành hiện đại nhất: Phòng thực hành STEM 1 (STEM Laboratory 1), Phòng thực hành tích hợp STEM 2 (STEM Laboratory 2) và Phòng khởi nghiệp (Start-Up Room/Home Economics Room).
Nhằm đưa giáo dục STEAM đến gần hơn nữa với học sinh và cha mẹ học sinh, hàng năm Trường Phổ thông Nguyễn Siêu tổ chức Ngày hội STEM/STEAM tạo nên không gian khoa học, bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học, kỹ thuật cho học sinh.
Tại Ngày hội STEAM năm 2019, đoạt giải Nhất với sản phẩm Thùng rác cảm biến, nhóm học sinh gồm 7 em của lớp 6VI2 đã lấy ý tưởng làm sản phẩm này khi quan sát thấy nhiều người không vứt rác vào thùng bởi ngại chạm tay chân vì sợ bẩn.
Điều đó sẽ dẫn đến việc mọi người vứt rác bừa bãi ở nhiều nơi, làm xấu cảnh quan và ô nhiễm môi trường. Chia sẻ về sản phẩm này, em Hoàng Việt Khánh, đại diện nhóm cho biết: Nguyên liệu được chúng em dùng để thiết kế sản phẩm thùng rác cảm biến là Servo sg90, động cơ Arduino UNO R3, cảm biến siêu âm HC-SR04 và một chiếc thùng rác.
Nguyên lý hoạt động của thùng rác là kết nối Servo sg90 và cảm biến siêu âm vào Arduino UNO R3. Tiếp theo chúng em lập trình phần mềm Arduino và lập trình sao cho cảm biến siêu âm nhận diện người ở một góc độ nhất định rồi báo tín hiệu cho động cơ Servo xoay cánh để mở nắp thùng rác. Khi dùng, người sử dụng chỉ cần để tay gần nắp thùng rác, nó sẽ tự động mở ra để ta cho rác vào.
Với sản phẩm Thiết bị hỗ trợ người khiếm thị, nhóm học sinh lớp 10IG1E2 đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi chung khảo sản phẩm STEAM. Sản phẩm hoạt động giống như một con mắt thu nhỏ giúp cho người khiếm thị có thể phát hiện vật cản trước mặt thông qua còi thông báo hoặc động cơ rung mini.
Theo em Nguyễn Thế Anh, đại diện nhóm học sinh lớp 10IG1E2, từ chủ đề được cho là “Sức khỏe, con người và trường học thông minh”, các em đã tìm hiểu thêm ý tưởng trên mạng và quyết định chọn làm sản phẩm này vì tính thiết thực của nó (hỗ trợ người khiếm thị).
Sản phẩm khá đơn giản, thực chất chỉ là cảm biến khoảng cách đeo tay, giống như cảm biến cho ô tô khi lùi xe. Với sản phẩm này, các em đã sử dụng kiến thức của môn Công nghệ, Vật lý, trong đó chủ yếu là môn Công nghệ, do sản phẩm sử dụng các thiết bị Arduino thiên về Công nghệ.
Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 6VI2 cho rằng, đó không chỉ là một sản phẩm của sự sáng tạo, mà còn là sản phẩm của sự phối hợp, sẻ chia công việc khi làm việc nhóm của học sinh.
Bình luận