Đứa con nuôi bỗng dưng đổi tính

Sau bao ngày cơm đùm cơm gói, ông bà Tốn cũng đón được thằng bé vài ngày tuổi ở đâu đưa về. Cuộc sống của ông bà từ đó bận rộn và vui hẳn lên. Ông chăm chỉ đi làm kiếm tiền, còn bà lo việc nhà, chăm con. Thằng bé càng lớn trông càng hay mắt. Không có sữa mẹ nhưng nó bụ bẫm lắm, đôi mắt đen mở to.

Đứa con nuôi bỗng dưng đổi tính
Ông bà Tốn lấy nhau hơn chục năm mà chẳng có lấy một mụn con. Mọi người đều động viên ông bà nên nhận một đứa con nuôi, sau này về già còn có chỗ nương tựa. Lúc đầu, ông bà còn ngần ngừ bởi trước đây, vợ chồng ông bà đã từng nuôi cháu bên nội, bên ngoại nhưng cứ lớn lên một chút là chúng lại bỏ về với bố mẹ. Nhiều lúc thấy nản, ông Tốn bàn với vợ: “Hay là thôi, chẳng nuôi đứa nào, hai chúng mình cứ chăm nhau đến già, em nhỉ”. 
Nhưng đến đêm, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, bà Tốn lại thỏ thẻ: “Nhưng lỡ em với mình người chết trước, người chết sau. Ai đi trước thì coi như xong, người ở lại già yếu biết có ai quan tâm, chăm sóc”. Thế là ông bà lại quyết định tìm kiếm con nuôi. Ông bà Tốn muốn tìm một đứa trẻ vừa mới lọt lòng, ở xa, sau này hi vọng nó không biết gốc tích để tìm về và toàn tâm toàn ý với bố mẹ. 
Cuối cùng, ông bà cũng được toại nguyện. Sau bao ngày cơm đùm cơm gói, ông bà cũng đón được thằng bé vài ngày tuổi ở đâu đưa về. Cuộc sống của ông bà Tốn từ đó bận rộn và vui hẳn lên. Ông chăm chỉ đi làm kiếm tiền, còn bà lo việc nhà, chăm con. Thằng bé càng lớn trông càng hay mắt. Không có sữa mẹ nhưng nó bụ bẫm lắm, đôi mắt đen mở to. Ông Tốn lúc nào cũng nhận giống mình, còn cái miệng cười tươi thì bà Tốn bảo giống mẹ. Thằng bé cứ thế vui vẻ, hồn nhiên lớn lên trong sự yêu thương của ông bà. 
Thế nhưng, càng lớn càng nhận được nhiều sự chiều chuộng của bố mẹ, thằng bé càng trở nên vòi vĩnh, ương bướng hơn. Đi học, nó cùng đám bạn bè phá phách, suốt ngày bị cô giáo và hàng xóm cáo kiện. Nhiều người sau lưng ông bà Tốn bắt đầu xì xèo bàn tán: “Cái thằng ấy lớn lên không còn đáng yêu như xưa”. “Tôi đã bảo rồi, con nuôi nó thế. Từ xưa tới nay, chưa từng thấy ai nuôi con nuôi mà lớn lên biết nghĩ, tử tế với bố mẹ bao giờ...”.

b6.jpg

Ông bà Tốn cũng rất đau đầu. Phải cố gắng lắm, ông bà mới cho thằng bé học hết cấp III. Nó ở nhà chẳng giúp được ông bà nhiều mà suốt ngày ôm cái điện thoại chơi game, tối đến thì lêu lổng với đám bạn tới khuya. 
Rồi bà Tốn nghe thấy thằng Thắng có người yêu. Bà lập tức bàn với chồng: “Hay là mình hỏi vợ sớm cho con ông nhỉ. May ra, có gia đình rồi, nó nghĩ lại sống có trách nhiệm hơn thì sao?”. Đúng như dự tính, 20 tuổi, thằng Thắng lấy vợ. Vợ nó cách đấy vài nhà, tuy gia cảnh khó khăn nhưng con bé nết na, chăm chỉ lắm. 
Từ khi có vợ về, thằng Thắng ngoan hẳn, chăm chỉ làm việc nhà, không đuổi chim bắt bướm như trước nữa. Thắng còn bàn với bố mẹ mua máy xát về để làm. Rồi hai vợ chồng Thắng đẻ luôn cho ông bà Tốn 2 đứa cháu, 1 trai, 1 gái. Ông bà Tốn mừng hết chỗ nói, trong bụng thầm cảm ơn con dâu. Lại nói, cô con dâu nhà ông bà Tốn cũng là người biết điều, thấy bố mẹ chồng dốc sức đỡ đần, hậu thuẫn, đối xử với mình như con gái, cô cũng yêu thương, chăm sóc ông bà kỹ lưỡng lắm. 
Bây giờ, mỗi khi nhắc tới bọn trẻ, ông bà Tốn lại mãn nguyện nở nụ cười: “Cũng may là có chúng nó, cuộc sống của hai vợ chồng già mới có thêm ý nghĩa”.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...