Dự thảo quy định mới công nhận giáo viên dạy giỏi: Không còn chạy theo thành tích

GD&TĐ - Đánh giá về Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp học mầm non, phổ thông của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cho rằng, đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn dạy học hiện nay, từng bước hoàn thiện và hạn chế tính hình thức, thành tích trong giáo dục.

Đổi mới phương pháp là yêu cầu cốt lõi trong các hội thi giáo viên dạy giỏi
Đổi mới phương pháp là yêu cầu cốt lõi trong các hội thi giáo viên dạy giỏi

Thầy Nguyễn Văn Khoa – Giáo viên Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội)

Bỏ nhiều quy định không còn phù hợp

Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp học mầm non, phổ thông có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành. Nếu thực hiện đúng như dự thảo, việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi sẽ diễn ra đơn giản, nhanh gọn và không tạo áp lực.

Dự thảo đã bỏ nội dung thi lý thuyết và và viết sáng kiến kinh nghiệm mà thay vào đó là thi thực hành và báo cáo. Đây được coi là sự thay đổi tích cực hợp với xu hướng và thời đại 4.0. Bởi lẽ, những thông tư, nghị định… chỉ cần một click chuột giáo viên có thể xem được toàn văn. Vì vậy, không nhất thiết giáo viên phải học thuộc (như khi đi thi kiến thức trước đây).

Thay vào đó thời lượng báo cáo 30 phút trước ban giám khảo, giáo viên không chỉ thể hiện được kinh nghiệm dạy học của mình mà còn phô diễn được khả năng hùng biện đan lồng các kĩ thuật, phương pháp dạy học.

Thầy Nguyễn Văn Khoa
Thầy Nguyễn Văn Khoa 

Từ đó, ban giám khảo có thể lựa chọn được giáo viên vừa sâu về kiến thức, vừa vững về phương pháp lại có những đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Chính vì vậy, nếu theo đúng dự thảo, hội thi sẽ thực sự là một ngày hội để những giáo viên tâm huyết thể hiện khả năng và trình độ của mình. Bởi thực sự họ thấy thoải mái khi tham gia mà không bị trói buộc như những năm trước.

Cô Trần Trình Lan Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Phù Ninh (Phú Thọ)

Đề xuất áp dụng hình thức thi dạy giả định

Dự thảo của Bộ GD&ĐT đã hợp nhất các nội dung liên quan đến Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và bổ sung quy định công nhận giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông. Nội dung đáng chú ý trong dự thảo có thể nói đến: Một trong những nguyên tắc của hội thi là dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc; không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi.

Cô Trình Lan Anh 

Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành. Có thể thấy, các nguyên tắc này phù hợp với tính chất “hội thi” chứ không phải “cuộc thi”, vì hội thi giáo viên giỏi thường không xếp giải nhất, nhì, ba như nhiều hội thi khác, mà đối với những giáo viên đủ tiêu chuẩn theo quy định thì được công nhận giáo viên dạy giỏi của các cấp. Điều này giảm bớt áp lực với giáo viên dự thi và phần nào tránh được bệnh thành tích.

Dự thảo quy định của Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng nội dung, điều kiện tham dự hội thi phù hợp với đặc thù chung và riêng của từng cấp học. Với cấp học phổ thông, tôi xin bổ sung thêm nội dung sau để hội thi các cấp có thể lựa chọn cho phù hợp với từng giai đoạn của đổi mới giáo dục phổ thông, cụ thể: Trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Ban tổ chức Hội thi giáo viên giỏi các cấp có thể chọn hình thức thi dạy giả định (không có học sinh).

Đối với người chưa hiểu thì có thể cho rằng bài thi giả định này là “diễn”, là “kịch”, không đánh giá được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên. Song, thực tế lại cho thấy, bài giảng giả định là một hình thức thi nhằm tạo điều kiện để giáo viên làm quen và tiếp cận dần với một phương pháp dạy và học hiệu quả trong thời đại công nghệ số hiện nay, đó là E-Learning. Thiết kế một bài học giả định, không có học sinh, đòi hỏi giáo viên phải hình dung, tưởng tượng ra những hoạt động của học sinh, những tình huống học sinh sẽ gặp phải nếu tham gia một/một chuỗi các hoạt động học do giáo viên tổ chức và đưa ra giải pháp hiệu quả để giúp học sinh vượt qua khó khăn đó.

Thiết kế bài học giả định, chính là giáo viên đang tạo ra một môi trường học tập ảo, một trong những đặc điểm nổi bật của E-Learning. Như vậy, việc áp dụng hình thức thi dạy giả định chính là cách để hội thi tạo cho giáo viên cơ hội làm quen, tiếp cận với việc thiết kế bài giảng E-Learning - một phương pháp dạy học tiên tiến mà chúng ta cần hướng tới trong thời đại công nghiệp 4.0.

Việc ban hành quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp học mầm non, phổ thông theo hướng đổi mới sẽ góp phần tổ chức được hội thi các cấp thiết thực và hiệu quả, góp phần đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua của toàn ngành, đặc biệt là phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Thầy đặng ngọc lĩnh – Trường TH&THcS đồng lâm 1 (quảng ninh)

Sẽ không còn tình trạng “trình diễn” tiết dạy

Thầy Đặng Ngọc Lĩnh cùng học trò
Thầy Đặng Ngọc Lĩnh cùng học trò 

Dự thảo quy định về công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp mầm non, phổ thông có nhiều điểm mới. Trong đó, vấn đề quan tâm nhất đối với giáo viên tham gia dự thi và dự luận xã hội là nội dung và hình thức tổ chức cuộc thi có sự điều chỉnh, thay đổi như thế nào để đánh giá thực chất, sát thực năng lực của giáo viên? Cách tổ chức kỳ thi ra sao để tạo tính đột phá trong giáo dục góp phần đổi mới căn bản nội dung, hình thức và phương pháp dạy học; tránh tính hình thức, tạo động lực phấn đấu hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp?

Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm đó, dự thảo đã có nhiều thay đổi điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay.

Thứ nhất, thời gian chuẩn bị cho bài dự thi của giáo viên, đã có sự thay đổi căn bản. Thay vì giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian một tuần như trước đây thì hiện nay chỉ còn 3 ngày.

Đây là một sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn giảng dạy hằng ngày của giáo viên (trong thực tế công tác giáo viên cũng phải chuẩn bị giáo án lên lớp trước 3 ngày), tránh được tình trạng giáo viên dự thi mượn lớp, mượn học sinh “dạy thử”, “cầm đèn, sách” đi xin tư vấn, giúp đỡ về nội dung, phương pháp bài dạy từ những người đi trước. Điều này góp phần quan trọng đánh giá đúng, thực chất hơn, năng lực của giáo viên tham gia dự thi, giảm áp lực đối với học sinh, để học sinh thấy được mỗi tiết học thực sự là một tiết khám phá kiến thức mới, phát huy năng lực của người học, tránh sự nhàm chán và tình trạng tiết dạy trở thành tiết “trình diễn” của giáo viên.

Thứ hai về số tiết thực hành: So với trước đây, số tiết thực hành giảng dạy của giáo viên tham gia dự thi giảm từ 2 tiết trước đây xuống còn 1 tiết dạy. Điều này sẽ giảm tải cho giáo viên dự thi; đồng thời góp phần tăng cường đầu tư tìm tòi ra những ý tưởng sáng tạo, những phương pháp phù hợp cho tiết dạy của bản thân, rút ngắn được thời gian tổ chức thi, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức hội thi.

Thứ ba, cứ mỗi cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức là “một mùa sáng kiến kinh nghiệm”. Có những giáo viên có những biện pháp hay, những việc làm cụ thể mang lại hiệu quả trong quá trình công tác tại đơn vị, nhưng để viết nên một sáng kiến với đầy đủ các mục theo quy định không phải dễ dàng.

Và để đối phó với quy định này, nhiều sáng kiến kinh nghiệm đã “ra đời” sau một đêm và hao hao giống nhau. Thì nay, với dự thảo mới mỗi giáo viên tham gia dự thi chỉ “Trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc”. Tôi nghĩ đây là một sự thay đổi nhằm đánh giá thực chất hơn, không nặng tính hình thức, hướng đến hiệu quả thực tiễn trong dạy học và quan trọng góp phần giúp giáo viên giảm được áp lực khi tham dự thi, để hoạt động này thực sự là ngày hội thi của giáo viên.

Tôi nhận thấy, các quy định trong việc công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp thực sự thay đổi mạnh mẽ trong việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn dạy học hiện nay, từng bước hoàn thiện và hạn chế tính hình thức, thành tích trong giáo dục.

Mặt khác, việc chuẩn bị cho một hoạt động giáo dục trong thời gian rút ngắn hơn nhiều so với trước đây (không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy), thì việc bố trí các tiết thực hành giảng dạy trong cùng một bộ môn và giữa các bộ môn khác nhau cần giảm thiểu sự chênh lệch về thời gian thời gian chuẩn bị cho tiết dạy giữa các giáo viên tham gia dự thi.

Để khắc phục vấn đề này, ban tổ chức hội thi ngoài tiếp tục chia thành các đợt thi, cụm thi như trước đây, cần tăng cường thêm ban giám khảo, bố trí thêm điểm thi để các tiết dạy thực hành được tiến hành trong cùng thời gian, hoặc giảm tối thiểu sự chênh lệch về thời gian chuẩn bị cho tiết dạy giữa các giáo viên.

Cách làm này cũng giúp học sinh ở các lớp có giáo viên tham gia hội thi giảm áp lực khi phải tham gia nhiều tiết học thẩm định; học sinh nhiều trường khác được cảm nhận bầu không khí của một hội thi giáo viên giỏi. Từ đó, hội thi không chỉ diễn ra trong một vài trường học mà mở rộng ra nhiều trường, tăng cường tính lan tỏa. Hội thi sẽ thực sự là nơi đánh giá, tôn vinh thực chất giáo viên có năng lực, tâm huyết và củng cố thêm lòng tin của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.