Góp ý Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi: Nhiều bất cập được loại bỏ

GD&TĐ - Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp học mầm non, phổ thông mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý được nhận định có nhiều thay đổi hay, khoa học, có tính thực tiễn và nhiều quy định bất cập trước đây đã được loại bỏ.

Trong giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thế Đại
Trong giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thế Đại

Sân chơi lành mạnh, sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ) – cho rằng: Mong muốn của hầu hết giáo viên là có một sân chơi lành mạnh, sáng tạo, khẳng định nghề nghiệp của mình. Trong Dự thảo, nhiều bất cập của thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi đã không còn như: Giáo viên phải thi bài thi năng lực, phải viết sáng kiến kinh nghiệm theo hình thức giấy tờ, thi kể chuyện của giáo viên chủ nhiệm. Cách thức tổ chức các hội thi tại Dự thảo gọn nhẹ và hiệu quả hơn; giảm số giờ dạy tối đa, lấy chuẩn nghề nghiệp làm căn cốt… Đồng thời, có những yêu cầu về thuyết trình cho hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả để khẳng định khả năng của giáo viên.

Nhằm hạn chế những bất cập, Dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ các cuộc thi này phải dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan; tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong hội thi. Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành. Nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

Giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng giáo viên tham gia hội thi các cấp. Việc sử dụng kết quả hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên. - Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền

Những thay đổi được nhận định là hay, khoa học, có tính thực tiễn của Dự thảo cũng được cô Nguyễn Thị Thanh Huyền đưa ra. Trong đó có việc bỏ Liên hoan giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Quy định điều kiện công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh là: Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mức khá (giáo viên dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về giáo dục đạt mức tốt).

Về phần thi đối với giáo viên dạy giỏi: Thực hành một hoạt động chơi – tập (đối với giáo viên nhà trẻ), một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hành dạy học một tiết dạy (đối với giáo viên phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi: Thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch giáo dục của trường và của giáo viên tại thời điểm diễn ra hội thi.

Một số góp ý

Hội thi giáo viên dạy giỏi tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NT
 Hội thi giáo viên dạy giỏi tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NT

Góp ý để hoàn thiện Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp học mầm non, phổ thông, cô Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Quý 1, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp – cho rằng: Cần quy định rõ thời gian tổ chức thi cho từng cấp để nhà trường dễ thực hiện và có sự chủ động trong việc đăng ký, hướng dẫn và bồi dưỡng giáo viên tham gia hội thi các cấp kịp thời. Nhà trường cần nắm rõ thời gian tổ chức để tiện việc sắp xếp cũng như thực hiện hồ sơ giáo viên đạt yêu cầu và đúng quy định.

Khi giáo viên tham gia hội thi, nên công bố kết quả từng phần trước khi tham gia nội dung khác. Chẳng hạn: Sau khi thực hành một tiết dạy và có kết quả đạt tiết dạy tốt rồi mới trình bày biện pháp có hiệu quả. Làm như vậy giáo viên sẽ bớt hụt hẫng, không phải mất công đầu tư, chờ đợi, lo lắng...

Theo cô Phạm Thanh Hải, nên quy định rõ số lượng giáo viên tham gia dự thi cấp trường. Nếu trường nào có nguồn giáo viên dồi dào thuộc hạng 1 thì nên mở số lượng tham gia nhiều hơn so với trường hạng 2, hạng 3... để tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội phấn đấu và tham gia dự thi như mong muốn. Bên cạnh đó, thời gian báo cáo hiệu quả 30 phút là quá dài; chỉ nên quy định thời gian này tối đa là 20 phút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.