Khích lệ giáo viên sáng tạo

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT mới đưa ra dự thảo Thông tư ban hành quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông. Với tinh thần dự thảo mới, những người trong cuộc cũng mong muốn việc thi giáo viên dạy giỏi sẽ bớt tính hình thức, những tiết thi giảng sẽ thực chất hơn.

Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là yêu cầu căn bản để hội thi GV dạy giỏi đi đúng hướng.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là yêu cầu căn bản để hội thi GV dạy giỏi đi đúng hướng.

Lấy chất lượng học tập làm thước đo

Một trong những điểm mới của dự thảo là hội thi bao gồm cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, không còn hội thi cấp toàn quốc.

Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần, do nhà trường tổ chức. Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần, do phòng GD&ĐT tổ chức. Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần, do sở GD&ĐT tổ chức.Thời gian tổ chức hội thi được xác định trong kế hoạch hoạt động triển khai từ đầu năm học và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng học tập của học sinh.

Đồng tình với đề xuất trong dự thảo, cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (Thanh Hóa) cho biết: Để đánh giá năng lực GV, vẫn nên tổ chức thi giáo viên giỏi (GVG). Tuy nhiên, nếu để thi GVG là tự nguyện đăng ký mà không bắt buộc tham gia hội thi dạy giỏi cấp trường hầu hết GV lớn tuổi không đăng ký. Trong khi đó, việc thể hiện năng lực bản thân trước hội đồng sư phạm giúp mỗi người có cơ hội nhìn lại quy trình dạy học của mình, có cơ hội áp dụng phương pháp mới để tiến bộ.

Mặc dù thi GVG là tự nguyện nhưng phải có một vài chế tài ràng buộc. Chẳng hạn GVG là 1 tiêu chí bắt buộc trong việc nâng lương hay danh hiệu thi đua.

Nghề nào cũng có những cuộc thi, hội thi, đó là cách khích lệ GV sáng tạo. Nếu làm được đúng như dự thảo thì không những tìm được GV giỏi thực sự mà còn tìm được GV có tâm huyết với nghề. Trên thực tế đã có nhiều GV trưởng thành rõ rệt qua cuộc thi đầy áp lực. Và những phương pháp, sáng kiến của họ được tiếp tục ứng dụng, nhân rộng.

Trên thực tế đã có nhiều GV trưởng thành rõ rệt qua cuộc thi đầy áp lực. Ảnh minh họa/ INT
Trên thực tế đã có nhiều GV trưởng thành rõ rệt qua cuộc thi đầy áp lực. Ảnh minh họa/ INT 

Phải bảo đảm sự tự nguyện thực sự

Đề cao sản phẩm của nhà giáo là giờ dạy và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A (Đông Anh - Hà Nội) chia sẻ: Trong bất kì lĩnh vực nào, việc tìm ra người tài giỏi luôn là việc cần thiết nhằm kích thích tinh thần thi đua giữa các cá nhân trong một tập thể.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, tại các địa phương việc thi GV dạy giỏi mang danh nghĩa là việc làm tìm ra người tài giỏi, nhưng thực tế không phải vậy. Danh hiệu GV dạy giỏi chỉ để đánh bóng tên tuổi cho một số người, một số tập thể.

Theo cô Huyền, có những GVG về kiến thức chuyên môn, vững vàng khi đứng trong một cuộc thi chưa chắc đã là người giáo viên tốt nhất dành cho học sinh. Cái chúng ta cần ở người giáo viên, đó phải là người biết đem đến cho học sinh hứng thú học tập, sự sẻ chia và động viên để em chưa tốt cũng như học sinh tài năng trên cả chặng đường đi cùng thầy cô, không bao giờ thấy học là việc chán nản.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông.  Dự thảo Thông tư được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh/thành phố, sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan góp ý (toàn văn dự thảo Thông tư được đăng tải trên trang web của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: www.moet.gov.vn).Thời gian đóng góp hết ngày 10/11/2019.Về nguyên tắc của hội thi trong dự thảo, thi GVG dựa trên nguyện vọng tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực cho GV tham gia hội thi. Tuy nhiên, cô Huyền đặt vấn đề: “GV dạy giỏi có liên quan đến thi đua của nhà trường không nếu có thi cấp huyện? có liên quan đến thành tích của huyện không nếu có thi cấp tỉnh? Nếu có thì sẽ không đảm bảo sự tự nguyện thực sự”.

“Thay vì thi GVG, hãy thi GV sáng tạo hình thức dạy học hoặc cách tiếp cận bài học mới sáng tạo để GV có thể phát huy năng lực thực sự mình. Và thay vì đánh giá GV qua thi dạy giỏi, hãy nhìn vào sản phẩm của các thầy cô sau một năm thực hiện nhiệm vụ giáo dục và nhìn vào sự thay đổi tích cực của học trò khi được cô thầy đó giảng dạy”, cô Huyền chia sẻ.

Đồng ý với dự thảo thi GVG trên cơ sở tự nguyện, cô giáo Phạm Thị Thủy, Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa) cho rằng, nếu bắt buộc phải tổ chức thi GVG thì cấp trường 3 năm tổ chức 1 lần, cấp huyện 4 năm và cấp tỉnh 5 năm 1 lần.

Lâu nay việc thi GVG vẫn nặng về hình thức, thành tích nên tạo áp lực khá lớn đối với GV. Khi cuộc thi đã biến tướng thì cần phải tìm được mô hình phù hợp hơn thay thế để vừa tạo động lực thi đua, vừa đóng góp cho đổi mới giáo dục trong nhà trường.

Nếu thi GVG vẫn là áp lực thì nên để thời gian cho thầy, cô nghiên cứu bài, lấy chất lượng học tập từ HS làm thước đo. Cải tổ phương cách thi GVG và cách đánh giá sao cho GV có động lực phấn đấu, tích cực, tự nguyện, chấn chỉnh những khâu còn nặng tính hình thức, vô bổ, để kỳ thi trở nên thực chất và bổ ích, dần đi vào hoàn thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ