Dự thảo Luật Giáo dục ĐH không thay thế “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH không thay thế “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

Việc xuất hiện thuật ngữ “giá dịch đào tạo” là do trước đây học phí được thu dựa trên luật phí và lệ phí ; nhưng khi thực hiện tự chủ, trường được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ các khoản chi phí hợp lý và được công khai cho xã hội, cái đó chính là « giá dịch vụ đào tạo ». Giá dịch vụ đào tạo là cơ sở để thu học phí, chứ không phải là thay thế khái niệm học phí.

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho biết như vậy khi chia sẻ về Điều 65 Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cơ sở đào tạo không thể thích thu thế nào thì thu

- Theo ông, tại sao cần quy định: “mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo”?

Theo qui định hiện hành, hoc phí được thu dựa trên cơ sở qui định của Luật Phí và lệ phí. Phí và lệ phí là do cơ quan nhà nước quyết định, không phải nhà trường qui định.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có tự chủ trong hoạt động đào tạo; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ tài chính, tài sản.

Tinh thần tự chủ tài chính trong dự thảo Luật quy định các cơ sở giáo dục đại học giáo dục đại học được chủ động tính đúng, tính đủ tất cả các khoản chi phí hợp lý cho một chương trình đào tạo để đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo, bao gồm chi phí trả lương cho giảng viên và phục vụ, tiền đầu tư mua sắm, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập, các chi phí thường xuyên và các phương tiện điều kiện phục vụ cho người học …

Lấy tổng các khoản chi phí đó chia cho thời lượng đào tạo sẽ có được chi phí trên một đơn vị thời lượng đào tạo (ví dụ như chi phí tính trên 1 tín chỉ) gọi là “giá dịch vụ đào tạo”.

Giá này không phải do nhà nước ấn định như Phí mà do các cơ sở giáo dục tính toán, trên cơ sở tính đúng, tính đủ. Khi thu học phí các trường sẽ căn cứ trên giá dịch vụ đào tạo để tính ra mức thu học phí của người học theo môn học, kỳ học, năm học hoặc cả khoá học.

Nếu không quy định “giá dịch vụ đào tạo” trong luật này thì các trường thực hiện cơ chế tự chủ sẽ không có cơ sở để tính thu học phí. Khi đó buộc các trường phải thu theo quy định của Luật phí, lệ phí theo mức qui định của nhà nước, tức quay về như cơ chế cũ là phải thu theo mức trần học phí nhà nước quy định. Như thế là không gỡ được điều trói buộc tự chủ tài chính của các trường đang gặp phải mà cần Luật này tháo gỡ.

Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ tài chính theo dự thảo luật cũng qui định các trường được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài tiền đầu tư trực tiếp từ ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.

PGS.TS Hoàng Văn Cường
PGS.TS Hoàng Văn Cường 

- Nếu để cơ sở giáo dục tự tính toán và đưa mức chi phí, vậy phải kiểm soát điều này thế nào?

Tất nhiên, việc xác định “giá dịch vụ đào tạo” hoàn toàn khác so với giá cả hàng hóa thông thường trên thị trường. Đối với hàng hóa thông thường, giá cả là sự đồng thuận giữa người mua và người bán, là sự cân bằng giữa cung và cầu; cơ chế cung cầu của thị trường sẽ quyết định giá hàng hóa, cùng một hàng hóa, nhưng nếu ít người bán và quá nhiều người muốn mua thì giá cao và ngược lại nếu nhiều người bán mà ít người mua thì giá thấp.

Chỉ riêng từng người bán hay từng người mua không thể tự quyết định được giá này và người bán cũng không cần phải công khai cho người mua và xã hội biết phải chi phí những gì trong cấu thành giá đó.

Đối với “giá dịch vụ giáo dục và đào tạo” lại hoàn toàn khác, không được xác định theo cơ chế thị trường như hàng hóa thông thường vì giáo dục và đào tạo là một dịch vụ đặc biệt, không phải là hoạt động kinh doanh, không phải là hàng hóa để mua bán. Giá dịch vụ này được xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý cần thiết để đảm bảo cho việc dạy và học được diễn ra một cách tốt nhất.

Các khoản chi phí này phải được công khai để người học được biết tiền học phí họ phải đóng dùng để chi trả cho những việc gì và bản thân người học cũng biết sẽ nhận được những gì từ việc chi trả đó. Hoạt động giáo dục và đào tạo về bản chất được coi là một dịch công của xã hội, do vậy các khoản chi phí phải trả cho dịch vụ công này gọi là giá dịch vụ giáo dục đào tạo.

Như vậy, những khoản chi phí được tính giá dịch vụ đào tạo phải là những khoản chi hợp lý được xã hội chấp nhận, Nhà nước sẽ quản lý và xã hội sẽ cùng giám sát cái gì trường được phép đưa vào giá dịch vụ đào tạo và yêu cầu công khai tại sao phải thu bằng đó.

Đào tạo không phải hoạt động kinh doanh, mà là một loại dịch vụ công nên nó cũng có cấu thành khác nhau để phù hợp với nhu cầu, khả năng để người học lựa chọn. Vì vậy, mỗi chương trình đào tạo khác nhau, mỗi cấp độ chất lượng đào tạo khác nhau cần phải tổ chức các hoạt động giáo dục đào tạo khác nhau nên chi phí mỗi chương trình đó cũng khác nhau.

Chính bởi vậy, cơ sở giáo dục phải công bố cho xã hội biết, tại sao sinh viên phải đóng chừng này khi vào học và vào học thì được hưởng các điều kiện như thế nào?...

Do đó để các cơ sở giáo dục và đào tạo có cơ sở tính thu học phí và để nhà nước và xã hội giám sát “giá dịch vụ đào tạo” phải quy định trong Luật để cơ sở đào tạo không thể thích thu thế nào thì thu. Trong Luật cũng ghi rõ: tính đúng, tính đủ để ra giá dịch vụ đào tạo.

- Nhưng học phí do trường tự quy định có thể sẽ rất cao và cao hơn Phí do nhà nước qui định?

Phí do nhà nước qui định chỉ bao gồm một phần chi phí học tập mà người học phải đóng cho các cơ sở giáo dục đào tạo vì Nhà nước đã bao cấp nhiều khoản cho các cơ sở giáo dục và đào tạo như chi phí như tiền lương, tiền đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất… nên các khoản này không tính trong Phí.

Khi thực hiện cơ chế tự chủ, nhà nước không cấp ngân sách cho các trường để trả lương, trả tiền xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất … mà các trường phải tự tính các khoản chi phí này vào trong giáo dịch vụ đào tạo để thu từ người học. Do vậy, giá dịch vụ đào tạo mới được qui định là tính đúng, tính đủ nên về nguyên tắc sẽ cao hơn so với Phí do nhà nước ấn định.

Phương thức đầu tư kinh phí của Nhà nước cho các trường sẽ thay đổi từ cách cấp trực tiếp cho các trường như trước đây chuyển sang cơ chế đặt hàng để người học nhận được phần hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.

Nếu cứ thực hiện cơ chế cũ, sẽ có cơ sở đào tạo kém chất lượng, nhưng vì vẫn nhận được kinh phí của nhà nước nên vẫn tồn tại, sinh viên thấy học phí rẻ vẫn vào học, rồi vẫn tốt nghiệp nhưng thực ra không học được nhiều, ra trường không làm được việc. Điều này không chỉ tốn tiền nhà nước mà còn làm tổn hại rất lớn đến người học.

Tôi cho rằng, chi phí lớn nhất của người đi học không phải tiền học phí phải đóng mà là chí phí thời gian, công sức 4-5 năm ăn học. Nếu đóng học phí rẻ để theo học môt theo trình không tốt, không mang lại nhiều giá trị cho người học thì đó mới là sự lãng phí vô cùng lớn, không chỉ là vấn đề tiền mà còn là thời gian, tuổi trẻ, làm mất đi cơ hội của người học, làm nguy hại cho sự phát triển của xã hội

Khi thực hiện cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo, các Trường có điều kiện tính toán đưa ra các chương trình đào tạo tốt nhất, phù hợp nhất vì không bị giới hạn bởi mức phí thấp do nhà nước qui định.

Trong khi đó, nếu thực hiện cơ chế cũ trường muốn có chất lượng tốt đòi hỏi phương tiện hiện đại, chuyên gia giỏi, cần đưa sinh viên hoạt động thực tiễn,… tức phải đầu tư nhiều, nhưng nhà nước ấn định chỉ được thu tối đa theo khung học phí thì có muốn cũng không làm được, vô hình chung đã kìm hãm các trường không thể đưa ra được các dịch vụ đào tạo có chất lượng tốt.

Tất nhiên, đi kèm theo cơ chế tự chủ, nguồn ngân sách nhà nước không đầu tư trực tiếp cho các trường phải dành để thực hiện trách nhiệm với các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội; trong Luật phải quy định trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo đối với những đối tượng học sinh nghèo học giỏi thông qua cơ chế trích một tỷ lệ bắt buộc học phí thu được để cấp học bổng cho người học.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân hàng năm vẫn dành nguồn kinh phí trao 3 suất học bổng toàn phần trị giá 50 triệu/ suất/năm; các suất học bổng bán phần trị giá 25 triệu/ suất; cùng khoảng 2600 suất học bổng khuyến khích học tập, học bổng hỗ trợ sinh viên vượt khó, học bổng phát triển tài năng, học bổng ưu tiên xét tuyển cho học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế giá trị lên tới hơn 8 tỉ đồng…

Mỗi năm trường có khoảng gần 700 sinh viên được miễn giảm học phí và khoảng gần 1.500 sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập với mức tiền miễn giảm và hỗ trợ xấp xỉ 5 tỉ đồng. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục là ở chỗ đó.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ