Từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo”: Đổi tên không bao hàm yếu tố thương mại hóa

GD&TĐ - Việc chuyển đổi từ tính “học phí” sang tính “giá dịch vụ đào tạo” để tính đúng, tính đủ sẽ tạo thuận lợi cho đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho người học có thêm sự lựa chọn phù hợp. Giáo dục không cho phép thương mại hóa. Vì vậy, sự đổi tên này không bao hàm yếu tố thương mại hóa.

Từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo”: Đổi tên không bao hàm yếu tố thương mại hóa

Đó là một số ý kiến của đại biểu Quốc hội khi trao đổi xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.

Yêu cầu tất yếu đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Điều 105 Dự thảo sửa Luật Giáo dục vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí đã được đổi mới theo Luật Giá. Tên gọi của Điều 65 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là “giá dịch vụ đào tạo” được dư luận quan tâm.

Về việc thay “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về “học phí” và “giá dịch vụ đào tạo” có ý kiến đánh giá:

Theo Nghị quyết của Đảng, lĩnh vực đào tạo là một dịch vụ đặc biệt. Nếu chúng ta mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì bài toán tính đúng, tính đủ cho chi phí đào tạo là đương nhiên. Khi đó giá dịch vụ đào tạo sẽ là tổng chi phí đào tạo, trong đó học phí chỉ là một mục - điều này phù hợp với Luật Giá.

Suất đầu tư cho một học sinh, sinh viên không phải chỉ có học phí mà còn rất nhiều chi phí khác cộng lại. Việc chuyển đổi từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” ban đầu có thể khiến nhiều người không quen nhưng việc gọi tên “giá dịch vụ đào tạo” là chính xác. Tôi đồng tình với sự chuyển đổi này.

Vấn đề là khi chuyển sang giá, các cơ sở cần phải tính toán sao cho phù hợp với người học. Giá dịch vụ phải thể hiện được chất lượng giáo dục.

Hiện nay, kinh phí Nhà nước không thể lo cho toàn bộ hệ thống giáo dục từ mầm non cho tới đại học, nên về cơ bản mới chỉ tập trung vào bậc phổ thông. Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là tất yếu. Những năm qua, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tích cực chuyển sang tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa.

“Tôi cho rằng, việc chuyển đổi từ tính “học phí” sang tính “giá dịch vụ đào tạo” để tính đúng, tính đủ sẽ tạo thuận lợi cho đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, cũng là tạo điều kiện cho người học có thêm sự lựa chọn phù hợp. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, giáo dục không cho phép thương mại hóa. Vì vậy, sự đổi tên này không bao hàm yếu tố thương mại hóa vì giáo dục là hoạt động liên quan đến con người nên vẫn có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước. Phương châm của chúng ta rất rõ rồi, đẩy mạnh xã hội hóa nhưng không thương mại hóa giáo dục” – ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh thêm.

Giá dịch vụ đào tạo gắn với chất lượng đào tạo

Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị), kinh phí dịch vụ đào tạo là phải có và phải thu mới giảm tải ngân sách Nhà nước, nhưng phải công khai, minh bạch và đặc biệt là phải gắn với chất lượng đào tạo. Khi chất lượng tốt thì kinh phí chi cho nó không còn là vấn đề của phụ huynh và người học.

“Nếu kinh phí dịch vụ đào tạo gắn với chất lượng là tốt, đáp ứng được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước” - đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”, đại diện Bộ GD&ĐT đã có trả lời tới báo chí ngày 30/5, trong đó nói rõ:

Tên gọi của Điều 65 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là “giá dịch vụ đào tạo” vì điều này không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như: Nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/ không sử dụng ngân sách Nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… nên gọi chung là giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này. Riêng phần đóng cho đào tạo được viện dẫn sang Điều 105 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; nghĩa là, đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí.

Đại biểu Hồ Thị Minh đồng tình với cách lý giải này nhưng đề nghị Luật phải giải thích từ ngữ, khái niệm “học phí”, “giá dịch vụ đào tạo”. “Tôi cho rằng, phải hướng đến học phí gắn với chất lượng; giá dịch vụ đào tạo gắn với chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa gắn với chất lượng” – đại biểu Hồ Thị Minh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...