Có thể nói, Bộ GD&ĐT, Ban soạn thảo đã cập nhật được tình hình hiện tại và tương lai. Đây là xu thế tất yếu đáp ứng được yêu cầu mới của thời đại thế kỷ 21.
Chương trình đáp ứng được yêu cầu của NQ 29
Nói cách khác, ngoài việc kế thừa những ưu điểm của chương trình cũ, Ban soạn thảo đã đã học tập và vận dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến về giáo dục như: Anh và một số nước khác để biên soạn chương trình này.
Một điểm mới rõ nhất rất hoan nghênh đó là: Trong chương trình này đã nói rõ 10 năng lực và 6 phẩm chất cần có của học sinh, đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Tôi khá tâm đắc khi mà Chương trình lần này đã đề cập đến yêu cầu chăm học, chăm làm. Đây vừa là phẩm chất, vừa là năng lực cần có không chỉ của mỗi cá nhân học sinh mà còn là các thầy, cô giáo.
Ngày xưa thì chúng ta hay nhắc đến từ "cần cù" nhưng như thế thì nghĩa rất rộng, chưa bám sát được yêu cầu đặt ra. Nay Ban soạn thảo đã cụ thể hóa, chi tiết hóa bằng khái niệm chăm học và chăm làm.
Tôi nghĩ, ngay từ nhỏ nếu mà tất cả học sinh đều chăm học và chăm làm thì sau này sẽ là một xã hội rất tốt đẹp. Ngay như ở nước Mỹ, để có được như ngày hôm nay chính là nhờ công dân của họ có phẩm chất này.
Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo rằng, chúng ta không nên hình thức hóa nội dung này mà nên bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục.
Chương trình bắt nhịp thời đại
Nét nổi bật trong Dự thảo Chương trình lần này đó là: trước đây chúng ta học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 (tức là từ bậc tiểu học đến bậc THPT) thì nay từ bậc tiểu học đến hết THCS là hết phổ thông (giai đoạn giáo dục cơ bản) còn từ lớp 10 đến lớp 12 là định hướng nghề nghiệp (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp), có người coi đây là dự bị đại học.
Ở giai đoạn này, các em được lựa chọn những môn học yêu thích, phù hợp với sở trường và năng lực và nghề nghiệp sau này.
Một trong những điểm nhấn của chương trình lần này là hoạt động trảo nghiệm sáng tạo được xuyên suốt từ bậc tiểu học đến THPT.
Đây chính là hoạt động để vận dụng các tri thức đã học vào đời sống, giúp các em phát triển năng lực hành động, năng lực thực tiễn. Như vậy, chúng ta đang thực hiện giáo dục gắn với thực tiễn đúng với yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Thực ra phương châm giáo dục này đã được đề cập ở Đại hội 3 của Đảng nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chúng ta chưa thể thực hiện tốt nguyên lý này.
Rất may trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới này chúng ta đã nhìn nhận một cách nghiêm túc, thấu đáo để học sinh được học đi đôi với hành, gắn với thực tiễn của cuộc sống.
Ngoài ra việc, theo tôi việc đưa môn Thế giới công nghệ và Tìm hiểu tin học vào bậc tiểu học là hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của sự phát triển con người trong thế kỷ 21.
Tôi thấy nhiều người băn khoăn về dạy tích hợp, có thể nhiều người đang bị nặng nề bởi thuật ngữ tích hợp. Nhưng theo tôi, thực chất không đến mức khó và phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ.
Các giáo viên của chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nên chăng Ban soạn thảo nên có chú thích để giáo viên dễ hiểu và không còn băn khoăn nữa.
Tuy nhiên, Để chương trình thực sự khả thi, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Trong đó một trong những yếu tố cần được quan tâm hàng đầu đó chính là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học và sĩ số trong một lớp học không quá đông.