Tết là dịp những người xa quê trở về quây quần bên gia đình thân yêu. Song không phải ai cũng có thể hướng một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa.
Đã là Tết thứ ba tôi không được sống trong không khí rộn ràng của mùa xuân, không được đón năm mới bên gia đình. Ngày Tết với tôi là thi, đi học bình thường. Đón năm mới bên bạn bè với hy vọng "năm sau con sẽ về" là cách mà tôi, cũng như nhiều du học sinh khác phải tự làm quen.
Còn nhớ ngày đầu đặt chân đến nước Nga, một nữ sinh 18 tuổi như tôi mang trong mình bao khát khao, hoài bão và sự hào hứng trước những trải nghiệm đang chờ đón. Và lần đầu tiên trải qua thời khắc năm mới nơi xứ người thật khó diễn tả.
Sau một ngày học tập, trở về phòng phải đối diện bốn bức tường và thực tại nơi đất khách, tôi lại nghĩ, giờ này nếu ở nhà, có lẽ mình đang quây quần bên ông bà, ba mẹ, cùng xem pháo hoa và nhận những lời chúc ấm áp. Nỗi nhớ nhà khiến tôi muốn bật khóc.
Du học sinh Việt tại Nga quây quần bên nhau như gia đình, đón Tết Bính Thân. Ảnh: An Giang. |
Tết đã đến, nhưng tôi chẳng thể tìm thấy chút xuân, chút nắng vàng rực rỡ hay những cơn gió khô hanh vùng biển mặn ở quê mình. Xung quanh tôi là một màu trắng xóa của tuyết, không khí lạnh lẽo và những con người xa lạ.
Cũng là dòng người tập nấp đấy, song tôi chẳng thể tìm thấy được sự nhộn nhịp mua sắm cho ngày Tết. Trời đông ở xứ người càng làm những du học sinh cảm thấy trống trải. T
Tôi cố gắng đến những nơi đông người, hòa mình vào nhịp sống hối hả, vòng quay của công việc, nhưng sao vẫn thấy nhớ nhà da diết quá.
Những lúc như thế này, tôi mới trân trọng những giây phút sum họp bên gia đình. Tết xa nhà không bánh mứt; không những món ăn truyền thống; không còn những buổi thức trắng đêm, anh chị em quây quần bên nồi bánh chưng ngồi ôn lại chuyện cũ; không còn những buổi sáng 30 cùng mẹ tất bật đi chợ, cùng ba đi sắm cành đào; không còn những khoảng khắc cuối năm cả nhà chuẩn bị cúng giao thừa; không còn được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm mừng tuổi đầu năm.
Sớm mai thức dậy, tôi mong thấy cả gia đình đoàn tụ, cùng đi hái lộc đầu năm; cùng đi chúc tết họ hàng. Tôi thèm cái ôm, nụ cười của mẹ; thèm ánh mắt thân thương của ba; thèm nhiều thứ; và thèm nhất là được trở về nhà, được ùa vào lòng mẹ...
Song, từng ấy năm đón Tết xa nhà khiến cho một đứa con gái như tôi cũng trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Ở nơi đất khách, tôi mới cảm nhận được sự đoàn kết, chia sẻ của những du học sinh nơi đây.
Tết đến, những du học sinh cùng gói bánh chưng, dù nguyên liệu ở đây rất khan hiếm. Chúng tôi chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết theo cách của du học sinh, rồi quây quần ăn uống, nâng ly chúc Tết.
Niềm vui giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa trong thời khắc đầu năm mới. Chúng tôi, dù chẳng ai nói ra, nhưng trong trái tim mỗi người đều coi nơi đây chính là gia đình thứ hai của mình.