Do đại dịch, các công ty cắt giảm nhân sự, chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng nên sinh viên mới ra trường khó kiếm việc hơn. Tuy nhiên, theo anh Hùng, tình trạng này chỉ là tạm thời nên du học sinh không nên quá lo lắng mà cần vạch lại kế hoạch trong thời gian tới.
Anh Hùng cho rằng tốt nghiệp đại học chỉ là bước đầu, giúp sinh viên có nền tảng căn bản để bắt đầu công việc đầu tiên. Sau đó các bạn phải học hỏi rất nhiều để tiến xa hơn trong công việc. Hiện, các công ty chưa tuyển dụng nhưng vẫn có nhiều cơ hội để sinh viên mới ra trường làm việc hay thực tập không lương.
"Các bạn còn trẻ. Những gì liên quan đến kinh tế không phải là tất cả mà quan trọng là tích lũy được kiến thức, kỹ năng gì. Nếu có cơ hội được làm việc, thực tập, hãy đón nhận như một phương án trước mắt để học hỏi, tạo ra giá trị, tăng cơ hội thăng tiến", anh Hùng nói.
Là người khởi nghiệp thành công, anh Hùng cho rằng du học sinh tốt nghiệp giữa đại dịch cũng có thể khởi nghiệp bởi "trong nguy có cơ". Covid-19 mở ra rất nhiều điều mới mà trước giờ chưa có như các nước đóng cửa, nhiều công ty cho 100% nhân viên làm việc ở nhà, học sinh không cần đến lớp.
Tất nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính thích nghi tạm thời nhưng cũng chỉ ra những cơ hội giúp thế giới hoạt động theo chiều hướng mới và đây là thời điểm tốt để thử cái mới. Tuy nhiên, anh Hùng cho rằng khởi nghiệp tương đối khó và không dành cho tất cả nên sinh viên cần suy tính kỹ để tạo ra đột phá.
Nhà sáng lập Got It cũng cho rằng du học sinh không nhất thiết phải tìm bằng được công việc ở Mỹ mà có thể lựa chọn về nước. Việt Nam đang phòng chống đại dịch rất tốt, đối lập hoàn toàn với hình ảnh ở Mỹ. Nhiều công ty nước ngoài nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam nên cũng chuyển dịch sang rất nhiều, ví dụ Apple. Vì vậy, quay về Việt Nam thời điểm này là lựa chọn tốt.
Đặc biệt, du học sinh Việt có nhiều lợi thế khi về nước. Thứ nhất là về khả năng ngoại ngữ. Công ty nước ngoài tìm kiếm nhân viên trước hết phải giao tiếp tốt bởi nếu không mọi việc sẽ chậm đi rất nhiều.
Thứ hai, du học sinh có hiểu biết đa văn hóa nhiều hơn những bạn học tập trong nước. Anh Hùng cho rằng đây cũng là lợi thế của du học sinh bởi các công ty nước ngoài tìm kiếm người phù hợp nhất chứ không phải người giỏi nhất.
Chị Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le), nhà sáng lập Alabaster, cựu tổng giám đốc Go-Viet và cựu giám đốc Facebook Việt Nam, từng là thủ khoa MBA của Viện Công nghệ Massachusetts, cũng cho rằng du học sinh tốt nghiệp năm nay không tìm được việc ở Mỹ thì có thể về Việt Nam.
"Có thể lúc đầu các bạn cảm thấy tiếc nhưng rồi biết đâu các bạn lại tìm ra những cơ hội mới hay hơn ở Việt Nam. Trong khó khăn, các bạn sẽ có cơ hội đào sâu nghiên cứu vào lĩnh vực nào đó. Hãy coi học hỏi là hành trình. Các bạn sẽ cực nhưng không khổ mà sẽ tìm được nhiều niềm vui hơn", chị Trang nói.
Khuyên sinh viên hãy vượt qua thời điểm khó khăn này bằng cái nhìn tích cực, chị Trang chia sẻ câu chuyện cá nhân khi tốt nghiệp ở Mỹ năm 2003, lúc thế giới có đại dịch SARS, nhiều công ty công nghệ phá sản, công ty tài chính lao đao. Lúc đó, sinh viên ra trường rất thiệt thòi nhưng với chị Trang, đó cũng là may mắn bởi sự xáo trộn khiến các công ty bộc lộ mặt trái nhanh hơn.
Học xong về tài chính, chị Trang tự hào khi được làm ở ngân hàng đầu tư. Đó là thế giới rất hào nhoáng với chị mà nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính năm đó thì chị đã không nghỉ việc.
"Chị đã suy nghĩ rất nhiều về một ngành nghề có thể lương thấp hơn nhưng khiến mình vui, hạnh phúc hơn và có thể đi xa hơn", chị Trang nói và hy vọng sinh viên ra trường năm nay sẽ sớm nhận ra những khó khăn, mặt trái và tìm hướng đi phù hợp cho mình.
Không chỉ định hướng hướng đi của du học sinh Việt tốt nghiệp năm 2020, tại "Virtual Graduation 2020", các cựu du học sinh nổi tiếng dành nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ. Anh Bùi Quang Minh (Minh Beta), người sáng lập Beta Media, tốt nghiệp MBA tại Đại học Harvard, khuyên du học sinh nên xác định cho mình mục đích sống, vượt lên trên ham muốn về tiền tài, vật chất, là mục đích phục vụ được cộng đồng, xã hội, tạo ra những giá trị tốt đẹp.
Anh Minh cho rằng du học sinh nên thử thách bản thân nhiều hơn. Dù không thành công, các thử thách cũng giúp học hỏi nhiều thứ, từ đó thay đổi bản thân.
Các bạn trẻ cũng cần theo đuổi đam mê của mình thay vì chỉ làm một công việc. "Ban đầu, tôi nghĩ mình chỉ có thể kinh doanh được thôi còn ca hát và nghệ thuật chỉ là thú vui. Nhưng khi theo đuổi tận cùng đam mê, tôi tìm được sự giao thoa giữa các lĩnh vực mình quan tâm nên tìm ra hướng đi sự nghiệp mà mình yêu thích để mỗi sáng thức dậy đều thấy nhiệt huyết với những dự án đang làm", tác giả ca khúc "Việt Nam ơi" nói.
Chị Đỗ Hồng Nhung (Hana's Lexis), người sáng lập kênh Youtube chia sẻ kinh nghiệp học tiếng Anh với gần 600.000 người theo dõi, dành hai câu cho sinh viên tốt nghiệp năm nay là "This too shall pass" (Chuyện gì cũng sẽ qua thôi) và "Liều ăn nhiều".
Chị Nhung chia sẻ để có những thành công ở tuổi 29, chị đã trải qua những năm tháng của tuổi 20 toàn thất bại như ra trường không biết làm gì, tìm được việc rồi thấy không hợp, có học bổng học tiếp nhưng bỏ giữa chừng rồi khởi nghiệp cũng thất bại. Thử và sai rất nhiều nhưng chị Nhung lại học được nhiều điều mới, đi những chỗ mới và gặp những người mới để từ đó đến gần hơn đam mê của mình.
"Khi làm Youtube, bạn bè của tôi đã rất bất ngờ bởi tính tôi vốn nhút nhát nhưng vì thích nên tôi muốn thử và may mắn được nhiều người yêu quý. Nếu một năm trước không liều, có lẽ tôi không có ngày hôm nay", chị Nhung nói và mong du học sinh tốt nghiệp năm nay không vì khó khăn trước mắt mà bớt liều bởi "cuộc đời bằng phẳng quá sẽ bớt vui".
Năm 2020, tất cả sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Mỹ không được dự lễ tốt nghiệp tại trường do Covid-19. Vì vậy, Hội Thanh niên sinh viên các thành phố Arizona, Boston, New York, Philadelphia, Chicago và Seattle tổ chức lễ tốt nghiệp trực tuyến "Virtual Graduation 2020" để chúc mừng du học sinh.
Trong buổi lễ tốt nghiệp, không chỉ những nhân vật thành công từng du học tại Mỹ dành lời khuyên cho sinh viên mà rất nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng tại Việt Nam cũng gửi lời chúc mừng như: Ca sĩ Hòa Minzy, Chi Pu, Tóc Tiên, Rhymastic và Youtuber Benjamin Tran. Ban tổ chức hy vọng đem lại cái nhìn tích cực, lời khuyên bổ ích cho du học sinh trong thời điểm khó khăn này.