Du học sinh tại Mỹ: Điều kiện cần để được làm thêm

GD&TĐ - Mỹ nổi tiếng là quốc gia có mức học phí tương đối đắt đỏ trên thế giới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính bởi điều này mà các du học sinh Mỹ thường mong muốn tìm kiếm các công việc làm thêm để trang trải phần nào học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, du học sinh có được đi làm thêm không, cần lưu ý những gì, có những công việc làm thêm phổ biến nào?

21.900 du học sinh người Việt tại Mỹ

Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) công bố, năm học 2022 - 2023, Mỹ nhận hơn một triệu sinh viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này tăng 11,5% so với năm học trước. Trong đó có 21.900 du học sinh người Việt.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số sinh viên quốc tế ở Mỹ. Nước ta cũng đứng thứ tư trên toàn cầu về số lượng sinh viên theo học các chương trình cao đẳng và cử nhân tại Mỹ, với 14.295 sinh viên. Các khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) cũng như kinh doanh/quản trị vẫn là những ngành học được sinh viên Việt Nam lựa chọn nhiều nhất khi đến Mỹ. Tỷ lệ sinh viên Việt Nam theo học các khối ngành STEM và kinh doanh/quản trị lần lượt chiếm 47,6% và 24,7%. Tổng cộng, du học sinh Việt đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 816 triệu USD, tăng so với 721 triệu USD của năm học trước.

Anh Phạm Đức Trung (49 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) có 2 con cùng đi du học hệ đại học tại Mỹ cho biết, một trong những lý do anh lựa chọn quốc gia này là bởi Mỹ là trung tâm kinh tế toàn cầu, với nhiều công ty hàng đầu trong mọi lĩnh vực.

“Du học Mỹ cũng giúp các cháu được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất. Ngoài ra, bằng cấp từ các trường đại học Mỹ được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, tốt nghiệp tại trường đại học tại Mỹ có thể mở ra cơ hội làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới”, vị phụ huynh này cho biết.

du-hoc-sinh-tai-my2.jpg
Ảnh minh họa.

Những lưu ý khi đi làm thêm

Là một điểm đến thu hút nhiều du học sinh Việt, song mức học phí tại Mỹ khá đắt đỏ. Bà Trần Thị Hương - tư vấn viên tại Trung tâm Tư vấn du học Mỹ cho biết, quốc gia này không ban hành các tiêu chuẩn chung về các loại học phí, vì vậy học phí sẽ do từng trường quy định. Mức chi phí không cố định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình học, trường theo học, mức học bổng, các chi phí sinh hoạt hoặc nơi sinh sống của các bạn học sinh, sinh viên.

Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận College Broad, chi phí trung bình của sinh viên quốc tế bậc cử nhân tại Mỹ là khoảng 995 triệu đồng/năm (chưa tính học bổng). Rõ ràng đây không phải là một con số nhỏ với nhiều người. Bà Trần Thị Hương chia sẻ, trong quá trình tư vấn cho các bậc phụ huynh và các em học sinh, khoản chi phí du học “khổng lồ” tại Mỹ là nỗi lo của rất nhiều du học sinh Việt Nam đang ấp ủ ước mơ chinh phục tri thức tại xứ sở cờ hoa. Vì vậy, hầu hết các em học sinh đều mong muốn sau khi qua Mỹ sẽ tìm công việc làm thêm nhằm giảm áp lực tài chính lên gia đình.

Tuy nhiên, bà Hương khẳng định, Chính phủ Mỹ rất khắt khe về việc đi làm thêm cho du học sinh. Nếu không đáp ứng đầy đủ điều kiện, giấy phép hoặc không tuân thủ các quy định, du học sinh sẽ bị xử lý vi phạm theo pháp luật. Đặc biệt, nếu cố ý làm “chui” thì du học sinh sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ và không được phép trở lại đây để học tập.

Phạm Đức Anh (19 tuổi) - du học sinh Việt tại Đại học Chicago cho biết, chỉ có sinh viên cấp thị thực F-1 hoặc M-1, đang theo học tại một trường đại học, cao đẳng, hoặc trung học chuyên nghiệp được Bộ Giáo dục Mỹ (USDE) công nhận mới được đi làm thêm và phải tuân thủ các quy định vô cùng khắt khe.

Cụ thể, sinh viên dưới 21 tuổi chỉ được phép làm những công việc trong khuôn viên nhà trường. Theo quy định của Sở Di trú Mỹ (USCIS), du học sinh có visa F-1 hoặc M-1 được phép đi làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học và không giới hạn giờ làm trong thời gian nghỉ hè. Mặc dù không phải nộp thuế lao động (FICA), nhưng du học sinh sẽ phải nộp thuế thu nhập của liên bang và tiểu bang. Những công việc trong khuôn viên trường được nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn như: Trợ lý giáo sư, văn thư tại thư viện, trợ lý nghiên cứu, phục vụ căn tin quán cafe trong trường…

Đức Anh cho biết, đây đều là công việc không quá phức tạp, đồng thời có cơ hội kết nối với thầy cô và bạn bè quốc tế từ nhiều phòng ban, ngành học. Theo tìm hiểu của Đức Anh, đối với các sinh viên quốc tế trên 21 tuổi sẽ được phép làm thêm ở trong và ngoài trường thông qua chương trình thực tập không bắt buộc hay bắt buộc.

“Trong một số tình huống bất khả kháng, sinh viên sau khi học hết một năm gặp khó khăn tài chính như nguồn hỗ trợ tài chính bị mất hoặc mất việc làm trong trường do lý do khách quan; có các sự kiện quốc tế hoặc trong nước ảnh hưởng tới sinh viên F-1 như chiến tranh, khủng hoảng… các sinh viên này mới được làm việc ngoài trường. Trong trường hợp được chấp nhận, thời gian làm thêm vẫn là tối đa 20 giờ/tuần”. - Bà Trần Thị Hương - tư vấn viên tại Trung tâm Tư vấn du học Mỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ