Công nghệ OLED cho màn hình tivi, điện thoại
Sau thắng lợi của nhóm khoa học gia Nhật Bản về đèn LED đoạt giải Nobel Vật lý 2014, nhiều khả năng công trình phát minh đi-ốt phát quang hữu cơ, thường gọi là OLED, có thể rinh về giải Nobel hóa học cho hai chuyên gia Ching Tang của Đại học Rochester (Mỹ), và Steven Van Slyke của hãng Kateeva ở bang California (Mỹ).
Công nghệ OLED đang được đánh giá là ông vua mới của lĩnh vực màn hình, dang được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực tivi và điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Vật liệu mesoporous chức năng
|
Danh sách dự đoán cũng có tên ba nhà khoa học với công trình nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ nano. Theo đó, mesoporous dùng chỉ những vật liệu có kích thước cỡ như lỗ chân lông trên da con người, với đường kính từ 2 đến 50 nanomét.
Đặc biệt, hợp chất silic dioxyt với kích thước mesoporous hứa hẹn sẽ trở thành “vũ khí” mới trong lĩnh vực điều trị ung thư, đưa thuốc đến mục tiêu đã định trong cơ thể.
Các ứng viên tiềm năng gồm Charles Kresge, giám đốc công nghệ của hãng Saudi Aramco (Ả Rập Xê Út); Ryong Ryoo, Giám đốc Trung tâm Vật liệu nano và phản ứng hóa học thuộc Viện Khoa học cơ bản (Hàn Quốc); Galen Stucky, giáo sư tại Đại học California ở Santa Barbara (Mỹ).
Quá trình tổng hợp sinh học sạch RAFT
|
Quá trình tổng hợp sinh học mà không tạo bất kỳ một phế liệu gì cho phép tạo ra các loại vật chất nhân tạo sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ quần vớ bó cho phụ nữ đến tim nhân tạo.
Graeme Moad, Ezio Rizzardo, và San H. Thang là ba nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Úc được dự đoán có thể trở thành chủ nhân mới của giải Nobel Hóa học năm nay.
Công trình của họ cho phép kiểm soát chính xác sự hình thành của nhựa tổng hợp. Ứng dụng của nhựa tổng hợp không có giới hạn, do vậy việc kiểm soát được quá trình chế tạo chúng là một thành tựu quan trọng cho mọi ứng dụng trong cuộc sống đời thường.