Tổn thất cho cả 2 bên
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine – đây được xem là cuộc tấn công lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2 và ám chỉ khả năng leo thang hạt nhân nếu phương Tây can thiệp.
Các lực lượng Nga đã nhiều lần tấn công thủ đô Kiev nhưng không bao vây được thành phố.
Theo các quan chức Ukraine, thành phố Mariupol bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau nhiều tuần pháo kích. Ít nhất 2.300 người được cho là đã thiệt mạng và khoảng 100.000 dân thường bị mắc kẹt trong thành phố mà không có điện, nước trong khi nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt.
Trong khi đó Nga đã chiếm được thành phố lớn Kherson.
Số người chết trong cuộc chiến không rõ ràng. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng hàng nghìn người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 121 trẻ em Ukraine.
Ukraine cho biết đã làm chết 14.000 binh sĩ Nga, phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, pháo và máy bay của đối phương.
Theo Liên hợp quốc, hơn 3,6 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước và 6,5 triệu người nữa phải di dời trong lãnh thổ Ukraine. Tổ chức này cho rằng ít nhất 902 dân thường thiệt mạng và 1.459 người bị thương kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Chiến tranh cũng làm xáo trộn nền kinh tế toàn cầu và trật tự địa chính trị.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô chưa từng có trước đây đối với nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ được cho là có thể khiến Nga rơi vào tình trạng suy thoái sâu trong năm nay.
Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định cuộc chiến của họ sẽ theo kế hoạch và Nga sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi đạt được mục tiêu chiến lược, bao gồm cả việc buộc Ukraine trở thành “trung lập” và “phi quân sự hóa”.
Cuộc chiến cũng đã àm tăng ngân sách quốc phòng ở một số quốc gia. Đức công bố 100 tỷ euro (113 tỷ USD) chi tiêu bổ sung cho các lực lượng vũ trang của mình, tương đương với chi tiêu quốc phòng trong hơn 2 năm. Pháp cũng cho biết sẽ tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cuộc tấn công Ukraine. Thụy Điển nói rằng sẽ tăng gần gấp 2 ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) “càng sớm càng tốt”. Trong khi đó Phần Lan đang tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2% hiện tại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh sẽ tăng gấp 2 lực lượng sườn phía đông bằng cách bố trí thêm 4 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Romania, Slovania và Hungary.
Dự đoán về kịch bản kết thúc cuộc chiến tại Ukraine
Kể từ khi Nga tiến hành tấn công Ukraine, một số dự đoán đã được đưa ra.
Trận đánh chớp nhoáng của Nga có thể gây ra sự sụp đổ của quân đội và chính phủ Ukraine trong những ngày đầu đã không thành hiện thực. Tương tự như vậy, lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra sau khi Tổng thống Putin ra lệnh các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao vào ngày 28/2 cũng phần nào giảm bớt.
NATO tuyên bố không tham gia vào cuộc xung đột bằng cách triển khai quân đội hoặc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Điều này khiến kịch bản về sự thất bại quân sự hoàn toàn của Nga khó xảy ra.
Do đó, cuộc chiến dường như đang hướng tới 2 kết quả dễ xảy ra hơn: một số hình thức giải quyết hòa bình hoặc một cuộc xung đột kéo dài.
Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng đã có sự giảm bớt quan điểm của cả 2 bên. Ngày 15/3, Tổng thống Zelensky cho biết ông sẽ không thúc ép việc gia nhập NATO nhưng nhấn mạnh vào sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Ukraine từ phương Tây.
Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu, chính phủ Ukraine cũng tỏ ra cởi mở trong việc đàm phán giải trừ quân bị và tình trạng của tiếng Nga ở Ukraine – đây là một phần yêu cầu của Moscow. Một quá trình “phi phát xít hóa”, theo đó Ukraine sẽ cấm một số nhóm cực hữu, cũng đang được thảo luận.
Tuy nhiên, thỏa thuận về tình trạng của Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 và khu vực Donbass dường như còn nhiều thách thức hơn. Đối với cả ông Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky, nhượng bộ về vấn đề này sẽ phải chịu tổn thất chính trị nghiêm trọng hoặc dẫn tới sự đầu hàng – điều mà cả 2 đều muốn tránh vì sự tồn tại chính trị của họ.
Theo nhà phân tích chính trị Tatina Stanovaya – một học giả của Trung tâm Carnegie Moscow và là người sáng lập công ty phân tích chính trị R.Politik ở Nga, ngay cả khi có một bước đột phá và một số hình thức thỏa thuận được ký kết, việc thực hiện nó vẫn không được đảm bảo.
“Tôi không hiểu làm sao Nga có thể đồng ý rút quân khi tất cả các điều kiện chưa được đáp ứng. Cũng không biết ông Zelesky có thể đáp ứng các điều kiện nhanh đến mức nào, giới tinh hoa Ukraine sẽ sẵn sàng chấp nhận chúng ở mức độ nào và cả xã hội nước này nữa khi họ tin mình đang thắng...” – bà nói.
Theo quan điểm của bà Stanovaya, chừng nào một thỏa thuận không được ký kết và thực hiện đầy đủ, Nga sẽ tiếp tục leo thang quân sự chống lại Ukraine, gây thêm thiệt hại cho các thành phố Ukraine và đẩy nước này tới một thảm họa nhân đạo.
Theo Giám đốc Mark Galeotti của công ty tư vấn Mayak Intelligence có trụ sở tại Anh, việc không đạt được một thỏa thuận khả thi trong ngắn hạn có thể dẫn đến một cuộc chiến kéo dài.
“Đó sẽ là một cuộc chiến đang diễn ra với nhịp độ thấp hơn nhiều so với hiện tại” – ông nói.
Tuy nhiên cả ông Galeotti và bà Stanovaya đều đồng ý rằng một “kịch bản Syria” trong dó chiến tranh tiếp diễn trong nhiều năm, khó có thể xảy ra do một số yếu tố sau:
Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm xói mòn khả năng duy trì sự hiện diện quân sự kéo dài của Nga ở Ukraine vốn đã tổn thất cả về người và tài chính ước tính hàng chục triệu USD mỗi ngày.
Thứ hai, Nga sẽ gặp khó khăn khi duy trì quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nơi cư dân vẫn trung thành với Kiev.
Thứ ba, sự hỗ trợ kinh tế và quân sự phương Tây cho quân đội Ukraine có thể củng cố thêm sự kháng cự của Ukraine khiến bất kỳ bước tiến nào của Nga trong tương lai trở nên khá khó khăn.