Tham gia muộn vẫn có lương hưu
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi.
Quy định này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Theo số liệu thống kê, đối tượng tham gia BHXH tăng dần qua các năm, từ 13,06 triệu người tham gia năm 2016 lên đến gần 16,55 triệu người vào năm 2021 (tăng 26,72% so với năm 2016)…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập như diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng trên thực tế còn thấp so với tiềm năng. Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng ở nhiều địa phương, doanh nghiệp. Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia, một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay.
Vì vậy, việc sửa đổi là rất cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động. Cùng với đó là mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu…
Cần đánh giá kỹ tác động của từng phương án
Khẳng định Luật BHXH (sửa đổi) là một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân, Quốc hội và cử tri, đại diện BHXH Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị bộ hồ sơ của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện, “gia cố” thêm nội dung Báo cáo Tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014. Cụ thể, phải đánh giá tổng thể, khách quan, toàn diện các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài để có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, để thực hiện thành công chính sách BHXH đa tầng, linh hoạt, trên cơ sở mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm các chính sách quy định cấu thành các tầng của hệ thống này. Nghiên cứu thêm lộ trình ngân sách Nhà nước chi trả trợ cấp từ 80 tuổi trở lên thay bằng hỗ trợ một phần đóng BHXH cho người lao động trong khi còn tuổi lao động.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, quy định về hưởng BHXH một lần theo Luật BHXH 2014 làm phát sinh một số hệ lụy, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân. Vì vậy, đại diện BHXH Việt Nam nhất trí với việc sửa đổi theo Phương án 2 của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời đề xuất điều chỉnh Phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng. Cụ thể, “có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian bảo lưu này không được tính cho lần hưởng BHXH một lần tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này”.
Về các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đại diện Bộ Tài chính đánh giá, việc quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng đối với đối tượng đáp ứng điều kiện được hưởng mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/người/tháng là chưa phù hợp. Đại diện Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội tùy theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác. Theo đó, nên sửa đổi theo hướng chỉ quy định về điều kiện, chế độ đối với đối tượng trợ cấp hưu trí xã hội, mức chi cụ thể giao Chính phủ quy định.
Về chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đây là chính sách BHXH mới bổ sung tại dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ cách tính mức hưởng, thời gian hưởng chính sách này. Nếu mức hưởng không khác biệt lớn so với mức lương hưu, người lao động sẽ có xu hướng lựa chọn tham gia với thời gian vừa đủ để không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà được hưởng trợ cấp hàng tháng và tiếp tục hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi đủ tuổi. Do đó, sẽ không khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Đại diện BHXH Việt Nam đề nghị nghiên cứu kỹ chính sách này, đề xuất cụ thể cách tính mức hưởng, thời gian hưởng, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, không mâu thuẫn với chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và không tác động tiêu cực đến chính sách khuyến khích BHXH tự nguyện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá, BHXH một lần là chính sách lớn, là vấn đề phức tạp. Việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án, quan điểm lựa chọn của mình và rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với Điểm đ Khoản 1 Điều 77 dự thảo luật. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH một lần...