Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Thêm quyền, lợi ích và mở rộng đối tượng

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điểm nổi bật của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - đang được xây dựng - sẽ bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích

Lao động xếp hàng chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần tại TPHCM cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Lao động xếp hàng chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần tại TPHCM cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Cụ thể, việc bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích cho người lao động so với luật hiện hành, mở rộng đối tượng và gia tăng diện bao phủ.

Bảo đảm gia tăng quyền lợi khi tham gia

Tại buổi họp báo về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã nêu một số điểm chính quan trọng của dự thảo. Điểm nổi bật của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là việc bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích cho người lao động so với luật hiện hành. Đáng chú ý là việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Việc điều chỉnh này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, quy định này cũng tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng. Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH mua BHYT.

Dự thảo cũng đã bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế. Đối với việc tăng thêm sức hấp hẫn của BHXH tự nguyện, dự thảo luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản.

Đặc biệt, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với nhóm đối tượng này. Nếu như luật được thông qua sẽ có khoảng 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.

Mở rộng thêm nhiều đối tượng

Bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí được bổ sung sẽ hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Đồng thời, quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản được bổ sung nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH.

Đặc biệt, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của BHXH để hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.

Việc quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cũng giúp linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình, xu hướng phát triển của đất nước, khi mà đời sống kinh tế - xã hội chung của đất nước được nâng lên, người dân có được sự thụ hưởng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội từ Nhà nước.

Điều đáng quan tâm, dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Số tiền được hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ, đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) sẽ tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH.

Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đến tháng 4, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội góp ý tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ