Cùng dự cuộc họp có đại diện các vụ, cục thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo, chuyên viên 5 sở Giáo dục và Đào tạo: Quảng Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Vĩnh Long, Lâm Đồng; và 7 trường đại học Sư phạm chủ chốt, Học viện Quản lý giáo dục.
Về phía WB có bà Steffi Stallmeister, Phó giám đốc WB tại Việt Nam; bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp - Chủ nhiệm Chương trình ETEP và các chuyên gia của WB.
Theo báo cáo của TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, cho đến nay Chương trình đã đạt được rất nhiều kết quả, một số kết quả vượt chỉ tiêu so với cam kết.
Cụ thể, với các hoạt động phát triển năng lực, đã hoàn thành các hoạt động của 3 Chương trình tăng cường năng lực các trường đại học sư phạm do chuyên gia quốc tế thực hiện. Các chương trình tăng cường năng lực có tác động tích cực đến quản trị, phát triển chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm chủ chốt.
Chương trình cũng đồng thời đã tập huấn cho hơn 100 giảng viên chủ chốt của 8 trường về phát triển chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo tiếp cận dựa trên năng lực (do chuyên gia quốc tế thực hiện). Năng lực các trường sư phạm chủ chốt được nâng cao; thể hiện được sự phát triển mạnh mẽ về năng lực ở các lĩnh vực và 100% đạt điểm 5 trở lên, vượt cam kết.
Tài liệu hướng dẫn sử dụng Bộ chỉ số phát triển trường sư phạm (Bộ chỉ số đánh giá TEIDI) cho năm 2021 đã được cập nhật và ban hành năm 2021. 6 báo cáo tự đánh giá năm 2021 đã được tham vấn các bên liên quan và được công bố chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm tự đánh giá TEIDI đều vượt so với cam kết. Đơn vị kiểm đếm độc lập (IVA) đã xác thực, kiểm đếm 6 báo cáo tự đánh giá TEIDI giai đoạn 4, kế hoạch xác thực giai đoạn 5 từ tháng 10/10/2021 - 30/6/2022.
Các chương trình đào tạo được các trường đại học sư phạm cải tiến, rà soát tổng thể và được đánh giá là ngày càng đáp ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và xu hướng hội nhập quốc tế. Cán bộ quản lý về đào tạo và giảng viên sư phạm của các trường đại học sư phạm tiếp cận, nâng cao năng lực trong phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực thông qua các hội thảo tập huấn với chuyên gia trong và ngoài nước.
Từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, việc phát triển tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tập trung vào hoàn thiện các mô đun từ 4 đến 9. Các mô đun đã được xây dựng, hoàn thiện theo đúng quy trình phát triển tài liệu đã được quy định và đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt cho phép sử dụng tài liệu, học liệu trong bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, qua ý kiến góp ý của các thầy cô trong quá trình bồi dưỡng, các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP đã cập nhật các mô đun 1,2,3,4,5,9 sau khi đã triển khai bồi dưỡng cốt cán và đại trà, đóng gói và chuyển giao cho Ban Quản lý Chương trình ETEP trước 30/1/2022. Đề xuất chuyển giao mô đun 6,7,8 cho đơn vị đầu mối của Bộ để hoàn thiện, triển khai bồi dưỡng từ năm 2022.
Một số nội dung khác Chương trình ETEP cũng đạt kết quả vượt so với cam kết, như: Ý kiến giáo viên đánh giá hài lòng với chương trình bồi dưỡng; số lượng báo cáo TEMIS của các sở Giáo dục và Đào tạo; số giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành các mô-đun bồi dưỡng thường xuyên khác nhau được ưu tiên trong năm...
Riêng chỉ số về số giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã hoàn thành các mô-đun trực tuyến bắt buộc khác nhau của chương trình bồi dưỡng thường xuyên, tính đến 31/12/2021 đạt 89.2%; dự kiến kết quả đến 30/6/2022 sẽ hoàn thành 133% so với cam kết.
“Như vậy, tính đến 31/12/2021 Chương trình ETEP đã cơ bản hoàn thành 95% nhiệm vụ, khối lượng công việc” - TS Đặng Văn Huấn cho hay.
Ý kiến các sở Giáo dục và Đào tạo đều có những đánh giá tích cực về tác động mà Chương trình ETEP đem lại cho giáo dục địa phương. Ông Lâm Đặng Hồng Sơn, Trưởng phòng tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long nhận định: Qua các mô đun bồi dưỡng, qua nắm bắt từ giáo viên trong tỉnh cho thấy, thầy cô đánh giá rất tích cực về Dự án trong bồi dưỡng. Giáo viên được nâng cao năng lực, trình độ; đặc biệt là trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đổi mới phương pháp, đóng góp tích cực cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh hiện nay.
Các trường đại học sư phạm tham gia ETEP cũng đánh giá cao Chương trình trong việc giúp nhà trường và giảng viên nâng cao năng lực; đồng thời gắn kết các giảng viên sư phạm với nhau, cũng như gắn kết giảng viên sư phạm với giáo viên phổ thông...
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, ETEP là dự án rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ghi nhận bước đầu, các chỉ số của Chương trình đều đạt mục tiêu, có tác động lan tỏa tích cực đến triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó đáng ghi nhận là năng lực các trường sư phạm được nâng lên, kể cả điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như mô hình quản trị trường đại học, xây dựng phát triển các chương trình đào tạo; mở rộng mối liên hệ giữa trường đại học sư phạm và các sở Giáo dục và Đào tạo; mối quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cũng gần gũi, gắn bó, liên thông hơn, từ đó giải quyết công việc tốt hơn. Đặc biệt là chỉ số phát triển trường sư phạm (TEIDI) được nâng lên rõ rệt.
Công tác bồi dưỡng bài bản, chặt chẽ, khoa học; hướng tới bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã đáp ứng được yêu cầu. Bồi dưỡng đại trà đã có sự cố gắng quan tâm, các trường đại học đã phát huy năng lực của mình để triển khai thực hiện…
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn mô-đun 4, 5, 9 tại một số địa phương còn gặp khó khăn. Do đó, Thứ trưởng đề nghị phía WB cho phép lùi thời gian kiểm đếm đến 31/3/2022; sau đó hoàn thành đóng dự án 30/6/2022. Thứ trưởng cũng mong muốn WB tạo điều kiện để Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao tài liệu mô-đun 6, 7, 8 cho một đơn vị của Bộ là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Sau khi bàn giao về cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, các trường đại học sư phạm chủ chốt sẽ tiếp tục phối hợp với Cục để xây dựng chương trình bồi dưỡng (vẫn theo mô hình 7-2-7), giúp giáo viên hoàn thành bồi dưỡng 54 mô đun, từ đó triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả nhất.
Trong 10 ngày, WB trực tiếp tham gia rà soát lại toàn bộ tiến độ triển khai dự án; rà soát tính pháp lý và công tác liên quan đến các chỉ số giải ngân, cũng như các chỉ số khác. Thứ trưởng mong WB sẽ có đóng góp trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp Bộ sớm hoàn thành các nội dung, thủ tục để có thể đóng dự án tốt nhất. Sau khi đóng dự án, mong sẽ tiếp tục được mở dự án mới để giúp giáo dục Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Steffi Stallmeister ghi nhận dự án ETEP đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn một số thách thức; từ đó mong có thêm thảo luận chi tiết trong đợt công tác để bảo đảm các tiến độ có thể đạt được trước ngày đóng đự án.
Đánh giá cao những nỗ lực của các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sư phạm chủ chốt, Học viện Quản lý giáo dục và Chương trình ETEP, bà Steffi Stallmeister đồng thời nhấn mạnh đến việc cần tập trung vào tính bền vững của các kết quả; bảo đảm kết quả tốt tiếp tục được duy trì sau khi dự án đóng lại.