Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự tại 2 đầu cầu có bà Steffi Stallmeister, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Võ Kiều Dung, Chuyên gia giáo dục cao cấp, Chủ nhiệm Chương trình ETEP và các thành viên, đại diện các vụ/cục thuộc Bộ GD&ĐT.
Những con số ấn tượng
Tính đến tháng 6/2021, Chương trình ETEP đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Năng lực của các trường đại học sư phạm chủ chốt và các đơn vị quản lý giáo viên cấp trung ương được tăng cường. Các hoạt động phát triển năng lực được tổ chức hiệu quả.
Đã có 6 báo cáo tự đánh giá được hoàn thiện, gửi Đoàn kiểm đến độc lập IVA kiểm đếm, xác thực. 51 chương trình đào tạo đang được tiến hành nghiệm thu cấp Bộ. Đã xây dựng và dự kiến ký kết điều chỉnh thỏa thuận thực hiện Chương trình vào 15-20/7/2021.
Trong việc phát triển tài liệu: Hiện Chương trình đang phát triển tài liệu bồi dưỡng các mô đun 4-9, cập nhật các mô đun 1-3. Việc xây dựng tài liệu bồi dưỡng thực hiện theo đúng quy trình và chú trọng đến việc tham vấn các bên liên quan, bảo đảm chất lượng tài liệu.
Các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến cho mô-đun 1-2-3 được hoàn thiện thêm dựa trên phản hồi của người học. Hoàn thành kịp thời và chất lượng tài liệu bồi dưỡng/khóa học trực tuyến cho các mô-đun 4, 5 và mô-đun 9. Chương trình ETEP đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng bổ sung giáo viên cốt cán, hướng dẫn bồi dưỡng trong dịch bệnh Covid-19.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS bảo đảm kết nối với hệ thống TEMIS để các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến có căn cứ kỹ thuật triển khai xây dựng hệ thống LMS. Các sở GD&ĐT đã lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp thường xuyên...
Kết quả cụ thể, 31 ngàn cốt cán hoàn thành 3 mô đun (1, 2, 3), đạt 100% khối lượng công việc. Tính đến 30/6/2021, có 23.051 giáo viên, cán bộ quản lý đã hoàn thành 2 mô đun và 431.671 giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành 3 mô đun. Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành bồi dưỡng mô đun 4 trước 15/9/2021; mô đun 5 và 9 trước 31/10/2021.
Các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được truy cập các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các nguồn học liệu thông qua hệ thống CNTT.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, các nhân phát triển hệ thống LMS theo hình thức xã hội hóa. Đã có 52 sở GD&ĐT đã triển khai cho giáo viên, cán bộ quản lý học tập, bồi dưỡng thường xuyên trên hệ thống LMS, 1 sở GD&ĐT chuẩn bị triển khai.
Việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ tuân thủ đúng quy trình bảo đảm chất lượng. 90% sở GD&ĐT đã hoàn thành công bố báo cáo TEMIS năm 2020. Năm 2021, hơn 40% sở GD&ĐT đánh giá trên hệ thống TEMIS - đạt trên 70%...
Bộ GD&ĐT bảo đảm chất lượng, đúng quy trình
Bà Stephanie Stallmeister- Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc “vênh” nhau về thời điểm đóng dự án trong hiệp định của Ngân hàng thế giới ký với Việt Nam là 30/6/2022 còn chủ trương đầu tư dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 30/12/2021 đáng tiếc. Nếu không kéo dài thời gian tới 30/6/2022 thì tác dụng của dự án không thể phát huy hết hiệu quả khi triển khai ở cơ sở.
Mặt khác, Giám đốc Ngân hàng thế giới, một lý do nữa cần kéo dài thời gian triển khai bởi báo cáo từ các Sở GD&ĐT cũng cho thấy đang thiếu đội ngũ cán bộ cốt cán và cần có sự bồi dưỡng thêm để bổ sung vào thực tế giáo dục các địa phương…
Trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã gửi lời cảm ơn bà Stephanie Stallmeister, bà Võ Kiều Dung đã có những đánh giá nhưng cũng là sự tháo gỡ khó khăn cho Bộ GD&ĐT trong vấn đề nâng cao năng lực các trường Sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao đổi một số vấn đề như: Dự án quản lý kết quả đầu ra nên quản lý theo quy trình khá chặt chẽ từ quy trình tuyển chọn đến khâu triển khai thực hiện, đánh giá kết quả… Và tinh thần Bộ GD&ĐT sẽ đảm bảo chất lượng, quy trình đúng như việc tôn vinh ghi nhận, hay cử GV cốt cán theo đúng quy định...
Cũng theo Thứ trưởng, hình thức bồi dưỡng 7-2-7 đang biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng nên các thầy cô, giảng viên sư phạm cần nâng cao năng lực tự học. Cùng đó, trong khâu quy trình Bộ sẽ hướng dẫn kĩ các địa phương theo hướng này để đảm bảo chất lượng trong việc tập huấn (theo hình thức bồi dưỡng 5-3-7 hay 7-2-7) theo kiểm đếm của Ngân hàng thế giới…
Một số vấn đề liên quan đến công nhận hệ thống LMS đảm bảo các tiêu chuẩn tiêu chí sớm giúp các địa phương triển khai thực hiện; vấn đề liên quan đến trực tuyến, trực tiếp… thì Bộ GD&ĐT và ETEP sẽ hướng dẫn các địa phương để triển khai thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh ETEP là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ GD&ĐT, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dự án nhằm nâng cao năng lực các trường Sư phạm và cũng là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Vì vậy trong thời gian dự án còn hiệu lực, thời hạn thì đề nghị các đơn vị tích cực triển khai và quan trọng hơn cả phải hướng tới hiệu quả bền vững sau đầu...
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của các trường Sư phạm thì cơ bản các trường Sư phạm chủ chốt đã đạt được; Các Sở đã gửi gắm niềm tin với các trường ĐH. Do đó đề nghị các trường cần giữ uy tín, niềm tin trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, thực hiện trực tuyến càng cần phải chi tiết, rõ ràng và hiệu quả hơn trong thời gian tới…
ETEP là tên viết tắt của Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Chương trình có mục tiêu phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua thu thập thông tin và chiết xuất báo cáo về thực trạng bồi dưỡng thường xuyên và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn trong cả hệ thống giáo dục (theo từng tỉnh, huyện, trường và cá nhân).