Đây là 1 trong 4 dự án giành giải Nhất của học sinh Lào Cai trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia giành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc.
Đây là lần đầu tiên Lào Cai có dự án được chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế. Hội thi sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 17/5/2019 tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ.
Nói về dự án của mình, Vũ Hoàng Long cho biết: Với người bình thường, ăn uống là một việc hết sức đơn giản, nhưng đối với người bệnh Parkinson thì lại không như vậy.
Vũ Hoàng Long thuyết trình dự án tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia |
Chỉ cần trong trạng thái nghỉ ngơi là chi bắt đầu bị run, nếu ở giai đoạn đầu thì người bệnh vẫn có thể tự ăn uống nhưng không thoải mái và càng về sau, chứng run sẽ càng bộc lộ rõ khiến họ không thể cầm chắc đũa thậm chí là thìa để xúc món ăn.
Vì vậy hàng ngày họ đều cần nhờ người khác hỗ trợ việc ăn uống, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lí bản thân do người bệnh cảm thấy mặc cảm khi cần người khác hỗ trợ việc ăn uống.
Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt qua mạng Internet, em được biết rằng trên thế giới đã có nhiều Robot hướng đến giải quyết những nhu cầu trên.
Trong đó có thể kể đến các Robot như Obi của Desin, một công ty nghiên cứu và phát triển robot ở Mỹ, Robot này giúp đưa thức ăn lên miệng người bị tật một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Ở Việt Nam cũng đã có những người nghiên cứu và chế tạo thành công robot hỗ trợ ăn uống. Đặc biệt nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã chế tạo thành công Feedbot. Đây là Robot trang bị cánh tay 3 bậc tự do và một mâm xoay thức ăn có 3 ô chứa.
Tuy nhiên, các robot trên không phù hợp với đối tượng người bị mắc bệnh Parkinson, khi thiết kế không linh hoạt (dùng cằm điều khiển cần) và sử dụng phương pháp điều khiển bằng nút bấm – khó sử dụng với người bệnh Parkinson khi bị run tay, giá thành cao, các sản phẩm sản xuất tại nước ngoài có thể không phù hợp với Việt Nam.
Xuất phát từ những lý do trên và với những kiến thức tìm hiểu được về lập trình và robot, Long đã nghiên cứu và chế tạo được robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson với phương pháp sử dụng công nghệ xử lý ảnh để điều khiển và đem lại sự thuận tiện nhất trong việc phục vụ họ ăn uống, khắc phục điểm yếu mà các sản phẩm khác đang tồn tại.