Dự án cao tốc Bắc Nam: Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Dự án cao tốc Bắc Nam: Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giải phóng mặt bằng

14/16 nhà đầu tư đã qua sơ tuyển đấu thầu

Sáng 5/8, đại diện Bộ GTVT cho biết, sau khi Quốc hội đồng ý cho chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công, đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đấu thầu nhằm khởi công vào cuối tháng 9 như yêu cầu của Thủ tướng.

Các dự án chuyển đổi sang đầu tư công gồm cao tốc Bắc - Nam đoạn tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Các dự án này, đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các gói thầu. Theo dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án vào ngày 8/8.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu công tác tổ chức đấu thầu phải tuân thủ pháp luật, xác định chất lượng công trình là ưu tiên hàng đầu. Dự án cao tốc Bắc - Nam phải tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt, có kinh nghiệm thi công. Lựa chọn được các tư vấn giám sát bảo đảm năng lực, trách nhiệm cao.

"Đặc biệt, phải đáp ứng được những giải pháp công nghệ, nhằm bảo đảm công tác giám sát tiến độ của dự án một cách chặt chẽ. Đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Theo Bộ GTVT, đến nay đã hoàn thành sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư của 5/5 dự án cao tốc Bắc – Nam. Sau hơn 20 ngày mở bán hồ sơ thầu dự án cao tốc Bắc – Nam, tính đến nay đã có 14/16 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển mua hồ sơ. Dự kiến tháng 12, Bộ sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư và khởi công vào đầu năm 2021.

Bộ GTVT đã giải ngân hơn 4.800 tỷ đồng

Công tác mặt bằng của 11 dự án thành phần đã bàn giao 569,9/653,61km (đạt 87,3%), dự kiến hoàn thành trong đầu quý IV/2020. Việc xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật của 13 địa phương nơi dự án đi qua đang gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đang tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành theo tiến độ yêu cầu.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng giao 49.500 tỷ đồng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, theo tiến độ triển khai, các dự án đã được bố trí 16.357 tỷ đồng.

Riêng năm 2020, Bộ GTVT cần giải ngân 9.368 tỷ đồng (8.743 tỷ đồng kế hoạch năm, 625 tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Đến nay đã giải ngân 4.806 tỷ đồng (đạt 51,3%). Số vốn còn lại 4.562 tỷ đồng sẽ được giải ngân hết trong các tháng cuối năm.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng của từng dự án, chủ đầu tư.

Nhằm bảo đảm tiến độ các dự án giao thông theo đúng kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo giải quyết, đặc biệt là đối với công tác giải phóng mặt bằng của các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 442/CĐ-TTg về việc giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Trong công điện, Thủ tướng nhắc lại hạn hoàn thành GPMB cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam là quý II/2020. Tuy nhiên, đến nay tiến độ GPMB của các dự án chậm, mới chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng cho khoảng 457/653,61 km chiều dài tuyến (đạt 70%).

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nếu các địa phương, các chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật không quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB trong quý II/2020 như đã cam kết với Thủ tướng.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua phải xác định GPMB là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công trong quý II/2020.

Đối với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương, các chủ quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác GPMB, bàn giao trong quý II/2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...