Đông Nam Á có đủ thực lực để đăng cai World Cup 2034?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ý tưởng về cuộc đua tranh quyền đăng cai vòng chung kết FIFA World Cup 2034 của ASEAN đã có bước tiến dài, song nó vẫn gây tranh cãi.

Trận Việt Nam (20) gặp Australia ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Trận Việt Nam (20) gặp Australia ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.

“Hình hài” sau 12 năm

Đông Nam Á gồm 11 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia là thành viên chính thức của Tổ chức ASEAN và quốc gia còn lại là quan sát viên của tổ chức này (Timor Leste). Để đăng cai World Cup 2034, ASEAN cần có sự ủng hộ của Liên đoàn Bóng đá châu Á, sau đó trình những tài liệu liên quan lên FIFA, nhất là tuyên bố bằng văn bản ủng hộ của tất cả các nước thành viên ASEAN.

Các tài liệu cần thiết khác bao gồm thư chấp thuận chính thức của chính quyền các thành phố nơi diễn ra các trận đấu, sân vận động và địa điểm tập, cũng như một số vấn đề pháp lý, bán vé và nơi ăn nghỉ.

ASEAN cần có một kế hoạch chiến lược cho việc đăng cai World Cup, cùng với các chính sách về nhân quyền và lao động của các nước chủ nhà cũng như việc đảm bảo tiện nghi về an toàn và giao thông cho du khách tại các thành phố đăng cai.

Cuộc họp lần thứ nhất Nhóm công tác kỹ thuật chuẩn bị hồ sơ đăng cai World Cup 2034 (TWG-FWC 1) của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra vào ngày 22/3. Cuộc họp trực tuyến này quy tụ các quan chức thể thao từ các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và các hiệp hội bóng đá khác trong khu vực.

Dưới sự chủ trì của ông Niwat Limsuknirun, Vụ trưởng Giáo dục thể chất thuộc Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan kiêm Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao, các đại biểu đã thảo luận quy trình nộp hồ sơ đăng cai chung vào năm 2026, bao gồm các yêu cầu chung, thời gian biểu và vai trò của từng quốc gia thành viên đối với World Cup 2034. Được biết, ASEAN sẽ nộp hồ sơ đăng cai World Cup 2034 vào năm 2026.

Trước đó, kế hoạch chạy đua giành quyền tổ chức World Cup đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hẹp và cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN vào tháng 1/2011 tại Lombok (Indonesia).

Với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia trên thế giới”, Đông Nam Á đặt mục tiêu tổ chức World Cup năm 2030 chứ không phải 2034 như bây giờ.

Bóng đá Đông Nam Á có niềm tin lớn vào ý tưởng được cho là “điên rồ” lúc đó bởi năm 2007, bốn nước ASEAN - Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã tổ chức thành công ASEAN Cup, giải đấu bóng đá hàng đầu của châu lục. Indonesia cũng tham gia vào quá trình vận động xin đăng cai Vòng chung kết World Cup 2022, tuy nhiên quốc gia này đã nhanh chóng rút lui vào tháng 3/2010 sau khi họ không nhận được sự bảo lãnh của Chính phủ, một yếu tố bắt buộc theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

Đến năm 2019, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 vào ngày 23/6 tại Bangkok (Thái Lan), các nhà lãnh đạo khu vực hoan nghênh mong muốn chung của ASEAN trong việc tổ chức World Cup và ủng hộ nỗ lực của các Liên đoàn Bóng đá thành viên hiện thực hóa mục tiêu này. Và đến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 vào tháng 11/2019 tại Thái Lan, ASEAN và FIFA đã ký biên bản ghi nhớ, thông qua bóng đá phục vụ cho mục tiêu phát triển xã hội, yếu tố thúc đẩy Đông Nam Á tiến gần hơn với hy vọng đăng cai World Cup.

Cúp vàng World Cup.

Cúp vàng World Cup.

Ngoài ra, nhân dịp tới Singapore dự lễ khai mạc AFF Cup 2020 (diễn ra vào cuối năm 2021), Chủ tịch FIFA Gianni Infantino bày tỏ quan điểm hoan nghênh kế hoạch đăng cai World Cup 2034 của ASEAN.

Ông Gianni Infantino phát biểu: “Tổ chức World Cup là một tham vọng lớn lao. Kế hoạch này bao gồm cả các khía cạnh như kinh tế hay niềm đam mê bóng đá. Với nền kinh tế đang phát triển, tôi tin rằng World Cup được tổ chức ở ASEAN sẽ mang đến thêm những niềm say mê mới”.

World Cup 2002 đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên châu Á được trao quyền tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và đồng thời, giải đấu đỉnh cao thế giới được tổ chức ở 2 quốc gia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đến nay, xu thế liên minh tổ chức World Cup mang tính phổ biến hơn. Chẳng hạn như World Cup 2026 cũng mang tính lịch sử, số đội lần đầu tiên được nâng lên 48 và có 3 quốc gia đăng cai gồm: Mỹ, Canada và Mexico. World Cup nữ 2023 trong lần đầu nâng số đội lên 32 cũng được tổ chức ở 2 quốc gia, New Zealand và Australia.

World Cup 2030 đang là cuộc đua tranh căng thẳng của các liên minh. Nhóm thứ nhất gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Morocco và Ukraine. Liên minh thứ hai có Saudi Arabia, Hy Lạp và Ai Cập. Khu vực Nam Mỹ với bốn quốc gia Argentina, Uruguay, Chile và Paraguay đang khởi động chiến dịch chạy đua với sự trợ giúp rất lớn từ các chính phủ. Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina mới đây gợi ý nên kết hợp và cho phép Bolivia đứng vào liên minh.

Vậy nên, kế hoạch của ASEAN thời điểm này được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn và xu thế, quan điểm đổi mới cách thức tổ chức của FIFA. Vấn đề còn lại là những bước đi tiếp theo của ASEAN như thế nào, cũng như ASEAN cần sớm thảo thuận và có được sự thống nhất về một chương trình hành động mang tính tổng thể khi tất cả đều sắm vai “nước chủ nhà”.

Sân Mỹ Đình của Việt Nam gần như sẽ không đạt chuẩn tổ chức World Cup.

Sân Mỹ Đình của Việt Nam gần như sẽ không đạt chuẩn tổ chức World Cup.

Nhiều bài toán khó

12 năm là khoảng thời gian cho bóng đá Đông Nam Á đặt mình vào cuộc đua mang tính lịch sử. Tuy nhiên, ASEAN đang đứng trước rất nhiều bài toán khó.

Thứ nhất, Đông Nam Á là “vùng trũng” của bóng đá thế giới, có thể hiểu là khu vực yếu nhất về chuyên môn. Những chuyển biến tích cực như Thái Lan lọt vào vòng loại tranh vé trực tiếp đi World Cup 2018 khu vực châu Á, Việt Nam có mặt ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á không đủ đưa bóng đá Đông Nam Á tiệm cận nhóm đỉnh cao châu lục, chưa nói đến thế giới.

ASEAN sẽ lên chương trình tổ chức World Cup 2034 như thế nào? Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là bao nhiêu quốc gia đồng đăng cai có suất tham dự World Cup? Cả 10 quốc gia Đông Nam Á tổ chức và nghiễm nhiên có 10 suất dự World Cup 2034 trong vai trò chủ nhà? Hay Đông Nam Á cử đại diện, những đội mạnh nhất khu vực tham dự và quốc gia không có đại diện tham dự nhưng cũng muốn tổ chức các trận đấu World Cup để thông qua đó phát triển về du lịch, cơ sở hạ tầng… sẽ được giải quyết như thế nào?

FIFA đang mở ra xu thế cho các liên minh đăng cai World Cup. Nhưng tổ chức này chưa thể tính đến liên minh có tới… 10 đội chủ nhà được đặc cách vào thẳng Vòng chung kết World Cup 2034. Hơn nữa, khả năng này sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các liên đoàn châu lục khác, kể cả châu Á. Và các đội tuyển quốc gia, siêu sao sân cỏ có thực sự thoải mái khi thi đấu với những đội quá yếu như Lào, Campuchia, Philippines hay Brunei,...? Điều đó chắc chắn kéo chất lượng chuyên môn đi xuống. Sân chơi đỉnh cao có thể trở thành ngày hội làng.

ASEAN cần phải tìm được tiếng nói chung về số quốc gia sẽ đại diện khu vực được quyền vào thẳng World Cup 2034. Đây cũng là vấn đề rất khó. Bất cứ liên đoàn thành viên nào của Đông Nam Á cũng đều khao khát cháy bỏng bằng cách nào đó để đội tuyển quốc gia góp mặt ở sân chơi lớn nhất hành tinh. Nếu bóng đá ASEAN làm nên lịch sử thì vì sao đội được hưởng vinh quang, đội sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi. Thế nên, trong trường hợp ASEAN không đạt được sự thống nhất, trên tinh thần vì lợi ích chung, thì sức mạnh tập thể có thể suy yếu trong cuộc chạy đua với các liên minh khác.

Ngay cả khi thống nhất cử 3 - 5 đại diện được quyền vào thẳng World Cup 2034 thì vấn đề cơ sở hạ tầng cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho Đông Nam Á. Với 48 đội, nhiều khả năng FIFA vẫn giữ thể thức cũ chia 4 đội vào một bảng, ASEAN cần 12 sân đấu tiêu chuẩn quốc tế. Thực tế như thế nào?

Tờ Siam Sports (Thái Lan) thông tin: Tại Thái Lan, nổi tiếng nhất là sân Rajamangala (sức chứa 51.000 khán giả). Ở Indonesia có 2 sân Senayan (77.193) và sân vận động quốc gia ở Jakarta (82.000). Ngoài ra, Indonesia vẫn còn 9 sân bóng khác có sức chứa từ 40.000 chỗ ngồi trở lên.

Malaysia có 3 sân bóng nổi tiếng là Bukit Jalil (87.411), Shah Alam (80.372) và Sultan Ibrahim (40.000), quốc gia này còn có 6 sân bóng khác có sức chứa từ 40.000 chỗ ngồi trở lên.

Singapore sở hữu sân vận động quốc gia với sức chứa 55.000 chỗ ngồi. Campuchia mới đưa vào sử dụng sân Morodok Techno có sức chứa 75.000 khán giả. Việt Nam, Mỹ Đình là sân tốt nhất với 40.000 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, các sân bóng kể trên có đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FIFA để tổ chức World Cup hay không?

Tờ Siam Sports bình luận: Các sân bóng tổ chức World Cup phải hoàn hảo. Nhìn chung, hầu hết các sân bóng ở Đông Nam Á đều gặp một số vấn đề. Nếu muốn thật sự đăng cai World Cup, các quốc gia cần xây mới các sân hoặc đại tu các sân cũ để đáp ứng các tiêu chí khắt khe của FIFA. Tại World Cup 2018, FIFA từng đưa ra bộ quy tắc dài 225 trang về tiêu chuẩn của các sân phục vụ World Cup. Nếu áp dụng những yêu cầu này, nhiều sân bóng của Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam không đủ tiêu chuẩn tổ chức World Cup.

Qatar đã giải quyết tất cả những hạn chế như nhiệt độ khắc nghiệt, cơ sở vật chất cũ kỹ, sân vận động xuống cấp, số lượng khách sạn ít ỏi bằng số tiền cao kỷ lục, 300 tỷ USD.

Với sự cũ kỹ, lạc hậu của các sân bóng và cả sơ sở hạ tầng, số tiền các quốc gia Đông Nam Á bỏ ra cho World Cup 2034 cũng rất lớn, trong khi FIFA luôn có phương châm rất rõ là quốc gia đăng cai, đồng đăng cai tổ chức xong World Cup mà rơi vào nợ nần hoặc khủng hoảng kinh tế là không thể chấp nhận. Đông Nam Á thực sự sẵn sàng cho cuộc chơi đắt đỏ này?

ASEAN có nhiều thuận lợi đăng cai World Cup. Quy mô thị trường lớn với gần 690 triệu dân (con số tính đến giữa tháng 3/2023), khu vực dân số trẻ, đang phát triển về nhiều mặt khiến Đông Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn. Bóng đá là môn thể thao được người dân trong khu vực hâm mộ cuồng nhiệt… Nhưng chừng đó có đủ giúp ASEAN đạt được mục tiêu trong cuộc phiêu lưu “kỳ thú” này?

Trang Sportstars của Indonesia dẫn lời ông Yesayas Oktavianus, cựu ủy viên quản lý Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), về email mà FIFA đã gửi về việc chuyển quyền đăng cai U20 World Cup từ Indonesia sang Peru.

Theo ông Yesayas, trong lá thư của FIFA cũng chỉ định Peru là nước thay thế Indonesia. Peru cũng là chủ nhà của VCK U17 World Cup lần thứ 17 diễn ra vào tháng 10/2023 tới đây. Quyết định của FIFA đến sau khi họ hủy kế hoạch bốc thăm chia bảng U20 World Cup dự kiến diễn ra vào ngày 31/3 ở Bali, Indonesia.

Mặc dù FIFA không đưa ra nguyên nhân nhưng được biết, lý do việc hủy bỏ lễ bốc thăm là bởi thống đốc Bali, I Wayan Koster, phản đối sự tham dự của U20 Israel. U20 World Cup 2023 dự kiến diễn ra từ 20/5 - 11/6/2023 với sự tham gia của 24 đội bóng ở 6 sân vận động.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.