Đồng Nai cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng

GD&TĐ - Gần đây, Đồng Nai ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Các bác sĩ dự báo, trong thời gian tới, bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát rất mạnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 13/4, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.800 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 1.500 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương có số ca mắc cao nhất là thành phố Biên Hòa hơn 700 ca mắc, huyện Trảng Bom gần 400 ca mắc.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho bé V.Đ.K (18 tháng tuổi, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nhập viện tối 11/4 với biểu hiện sốt cao, giật mình nhiều, nôn nhiều. Bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu bị tổn thương tim, não nên được truyền thuốc đặc trị bệnh tay chân chân miệng, thở máy và lọc máu liên tục. Đến ngày 12/4 tình trạng của bé tương đối ổn định. 

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp các bệnh nhi nhập viện điều trị với các triệu chứng nặng như sốt cao, co giật, liệt nửa người. Người nhà các bệnh nhi cho biết, các bé mắc bệnh do đi chân đất ra ngoài, có thói quen ngậm đồ chơi trong miệng...

Theo bác sĩ, nguyên nhân bệnh tay chân miệng tăng cao từ đầu năm đến nay là do bệnh này mang tính chu kỳ. Trong vòng 4 - 5 năm sẽ có khoảng thời gian tăng lập đỉnh, sau đó giảm dần và tăng lên lại.

Qua giám sát của toàn khu vực phía Nam và của tỉnh, giai đoạn này, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng khoảng 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trong thời gian tới rất cao.

Ngoài ra, hiện tượng số ca bệnh tăng cao còn liên quan đến số lượng trẻ trong độ tuổi. Theo thống kê, số lượng trẻ sinh năm 2019 trong toàn tỉnh lớn hơn so với những năm khác. Năm 2021 là thời điểm những trẻ sinh năm 2019 bắt đầu đi học ở các trường mầm non, tiếp xúc nhiều. Do chưa được chăm sóc và bảo vệ đúng cách nên có nhiều trẻ mắc bệnh.

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, kết quả phân lập tuýp virus gây bệnh tay chân miệng của các bệnh nhân trong tỉnh thời gian qua cho thấy có khoảng 40% là tuýp EV71. Đây là chủng virus có độc lực cao, có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng tăng cao trong khoảng tháng 3 - 5 hoặc từ tháng 9 - 12. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua dịch tiết đường hô hấp, nước bọt.

Để phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt các gia đình có con nhỏ phải thực hiện tốt 3 sạch: Ăn, uống sạch; ở sạch; bàn tay, chơi đồ chơi sạch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ãm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt ăn chín, uống sôi; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như chén, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Hàng ngày, vệ sinh sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh.

Nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng như sốt cao, da có mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối; trẻ đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm để hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ