Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 hàng năm.
Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh rất dễ lây.
Trẻ em thường nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại virus này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa…
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông.
Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do virus, viêm não.
Bệnh tay chân miệng chuyển độ rất nhanh và thời gian chuyển nặng thường xảy ra khoảng 48 giờ đầu kể từ khi trẻ mắc bệnh. Khi chuyển độ thì chuyển rất nhanh, do đó phải để ý và phát hiện kịp thời. Khi có dấu hiệu chuyển nặng thì nên đưa vào viện ngay lập tức.
Về vấn đề bệnh tay chân miệng có thể khiến cho trẻ mắc lại nhiều lần theo thông tin trên báo sức khoẻ và đời sống, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virút đường ruột gây ra.
Và điều quan trọng cho đến hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng, vì thế khả năng tạo kháng thể chống lại siêu vi gây bệnh tay chân miệng là rất thấp.
Ngoài ra, siêu vi đường ruột là một loại siêu vi có rất là nhiều chủng, nhiều họ và có thể lây lan cho nhau.
Do đó, những trẻ đã từng bị mắc tay chân miệng thì vẫn có thể mắc lại căn bệnh này nhưng của những chủng khác.
Chuyên gia cũng cho biết, trong tất cả các chủng gây bệnh tay chân miệng cho người gồm có các chủng là: chủng A, chủng B, chủng C và trong các chủng đó thì nhóm Enterovirus 71 thuộc chủng A là có thể gây biến chứng.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, có 4 ca tử vong tại Kiên Giang, An Giang và Long An.
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2020, số mắc tay chân miệng tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, An Giang...
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho biết, trước tình trạng bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng có dấu hiệu tăng, Trung tâm đã thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch; sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị bệnh tay chân miệng phục vụ việc xử lý, sát khuẩn môi trường…
Theo bác sĩ Thạnh, đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ do hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, quanh miệng…
Bác sĩ Thịnh khuyến cáo “Phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh cho trẻ, tránh cho con tiếp xúc với những vật dụng bẩn. Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời”.