Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến hết ngày 11/4, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại 3 tỉnh: Kiên Giang, An Giang và Long An.
So với cùng kỳ năm 2020, hiện số ca mắc tăng 4,3 lần và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế cho biết, đây là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn Hà Nội, hằng năm ghi nhận từ 1.000 đến 3.000 trường hợp. Thời gian gần đây, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng.
Theo nhận định, dịch bệnh này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi chiếm hơn 90%).
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến diễn ra chiều 12/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng tại một số tỉnh, thành phố.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học.
Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho giáo viên, học sinh, đồng thời khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly điều trị kịp thời.
Hướng dẫn nhà trường các biện pháp xử lý môi trường để phòng, chống bệnh tay chân miệng như vệ sinh lớp học (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập...) bằng xà phòng hoặc cloramin B theo quy định.
Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn cần tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng cho cộng đồng (như vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ nhỏ...) để từ đó người dân hiểu và làm theo.