Đồng minh Mỹ muốn có vũ khí hủy diệt

GD&TĐ - Hàn Quốc đang lên kế hoạch tự phát triển vũ khí hạt nhân. Bằng cách này họ muốn đảm bảo an ninh và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ, theo Sputnik.

Hàn Quốc trình làng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5 trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang hôm 1 tháng 10 năm 2024.
Hàn Quốc trình làng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5 trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang hôm 1 tháng 10 năm 2024.

Âm thầm phát triển

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun mới đây tuyên bố rằng, trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, cần phải cân nhắc tất cả các phương án khả thi.

Tổng thống Yun Seok-yeol cũng cho rằng nếu tình hình tiếp tục leo thang, thì cần phải sở hữu "vũ khí ngày tận thế" của nước ngoài hoặc tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Có đến 72% người dân Hàn Quốc ủng hộ việc gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân. Năm 2018, con số này chỉ là 48%.

Vào tháng 8, các tổ chức phi chính phủ về an ninh và chính sách đối ngoại trong nước đã thu thập được 10 triệu chữ ký để khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nguyên nhân là do người dân Hàn Quốc mất niềm tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Ngoài ra, họ còn lo sợ trước khả năng ông Donald Trump, người theo chủ nghĩa biệt lập, lên nắm quyền ở Mỹ, cũng như việc Moscow và Bình Nhưỡng tăng cường quan hệ song phương.

Tờ New York Times dẫn nhận định của nhà nghiên cứu cao cấp Cheong Seoung-chang từ Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Sejong:

"Chúng ta không thể yêu cầu tổng thống Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước đồng minh trước nguy cơ hy sinh chính người dân của mình. Chúng ta phải tự bảo vệ mình".

Tình huống tương tự đã xảy ra vào những năm 1970. Khi đó, người dân Hàn Quốc đã lo lắng về việc Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Nhưng, vào năm 1975, dưới áp lực của Washington, Seoul buộc phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn tiếp tục phát triển chương trình này một cách bí mật, theo cuốn sách "9 cường quốc hạt nhân? Đánh giá về mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới" do Trung tâm PIR xuất bản năm 2023.

Trong những năm 1980 và 1990, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt thí nghiệm làm giàu uranium và sản xuất plutonium. Dù Hàn Quốc chưa có công nghệ hoàn chỉnh, nhưng họ có sẵn phương tiện vận chuyển - tên lửa đạn đạo và hành trình.

Cần thời gian

Tạp chí Foreign Policy cho biết, Seoul sẽ phải mất tới 10 năm để có được bom hạt nhân. Đồng thời, CHDCND Triều Tiên chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn kẻ thù chính của họ đang phát triển vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cũng có thể gây cản trở cho Seoul. Do đó, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực sẽ tăng theo.

Ngoài ra, với tư cách là nước vi phạm chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc có thể phải đối mặt với những lệnh trừng phạt quốc tế, trong đó có lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đây sẽ là một đòn nặng nề đối với Seoul vì nền kinh tế nước này dựa vào xuất khẩu. Tất nhiên, Washington có thể đưa ra những ngoại lệ cho nước đồng minh, nhưng điều này sẽ tạo nhiều tác động tiêu cực đến danh tiếng.

Đảng Quyền lực Quốc dân PPP (có 108/300 ghế quốc hội) đề xuất tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật để sẵn sàng chế tạo bom hạt nhân bất cứ lúc nào. Điều này sẽ đảm bảo an ninh mà không vi phạm hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

"Tình hình quốc tế rất khó lường và không nên chỉ dựa vào các liên minh. Vì vậy, giống như Nhật Bản, chúng ta phải phát triển các công nghệ làm giàu uranium và sản xuất plutonium. Theo tôi, độ trễ hạt nhân là một biện pháp hiệu quả", lãnh đạo Đảng Quyền lực Quốc dân Han Dong-hoon cho biết.

Chiếc ô hạt nhân thiếu tin cậy

Giám đốc Trung tâm Chiến lược của Nga về Châu Á thuộc Viện kinh tế học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) Georgy Toloraya cho rằng, động lực chính đối với người Hàn Quốc là họ hoài nghi về hiệu quả chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

"Triều Tiên có sẵn tên lửa có thể vươn tới Mỹ hay bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới. Và rất có thể Washington không muốn tham gia vào một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên để không gây nguy hiểm cho các thành phố của chính mình.

Cách đây vài năm, ở Seoul không có nhiều người ủng hộ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng bây giờ họ chiếm đa số", chuyên gia Georgy Toloraya nhấn mạnh.

Ông Georgy Toloraya cho biết, Mỹ không thích tất cả những điều này và Washington đang cố gắng thuyết phục các đối tác về việc Mỹ quyết tâm bảo vệ họ bằng tất cả khả năng của mình.

"Chính sách răn đe của Mỹ dựa trên việc họ rất miễn cưỡng về việc phá hủy hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân, vì từ đó có thể xảy ra hiệu ứng domino. Ngoài ra, sau khi có được vũ khí hạt nhân, Seoul sẽ ít phụ thuộc hơn vào Washington.

Hiện nay Mỹ vẫn có thể kiểm soát tình hình, nhưng không thể loại trừ mọi thứ sẽ nhanh chóng đảo lộn. Bởi Hàn Quốc có thể tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó Điều 10 đề cập đến mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia cao nhất của đất nước", ông Toloraya lưu ý.

Chuyên gia Konstantin Asmolov từ Viện nghiên cứu Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cũng cho rằng, Seoul có thể có được vũ khí hạt nhân trong vòng một năm rưỡi đến hai năm: họ có đủ nguồn lực cho việc này.

"Ở Hàn Quốc, nhiều người cho rằng điều này sẽ giúp đạt được một sự cân bằng về lực lượng với Triều Tiên và theo đó giảm nguy cơ tái diễn chiến tranh.

Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh: việc trang bị vũ khí cho các bên tham gia xung đột chỉ dẫn đến việc các bên đặt cược quá lớn vào chiến thắng. Cách tốt nhất để phòng thủ vẫn là tấn công, đặc biệt là tấn công phủ đầu", chuyên gia Asmolov nói.

Người Mỹ hiểu rất rõ điều này nên không chỉ cố gắng ngăn cản đồng minh của họ thực hiện những hành động cực đoan mà bản thân họ cũng không dám triển khai vũ khí hạt nhân ở đó.

Các tàu chiến và tàu ngầm thường ghé thăm Hàn Quốc, máy bay mang vũ khí hạt nhân bay tới nước này, nhưng không có thảo luận nào về việc triển khai vũ khí này trên cơ sở thường xuyên.

"Nếu không, trong Thế chiến thứ ba, Seoul sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp mà đối phương có thể tấn công", ông Asmolov lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ