Báo Mỹ viết về bóng ma hạt nhân

GD&TĐ - Theo Wall Street Journal, căng thẳng toàn cầu gây lo ngại lớn nhất về bóng ma hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tên lửa ICBM Hwasong 15 của Triều Tiên.
Tên lửa ICBM Hwasong 15 của Triều Tiên.

Hậu Liên Xô tan rã, Mỹ và Nga đã hợp tác để cùng vô hiệu hóa hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở các nước như Belarus, Kazakhstan và Ukraine.

Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho biết, năm 1988, Nga có tới 41.000 vũ khí hạt nhân và Mỹ sở hữu 23.500 đầu đạn. Đến năm 2012, Nga và Mỹ chỉ sở hữu chưa đến 5.000 đầu đạn mỗi nước.

Nhưng khi căng thẳng toàn cầu gia tăng, sự đồng thuận về vấn đề này ngày càng lung lay. Laurence Norman, nhà phân tích của WSJ, nhận định: "Lời cam kết về nỗ lực giải trừ vũ khí của các cường quốc hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh hiện tại dường như kém thực tế hơn bất kỳ lúc nào".

Theo Tổ chức Chiến dịch Quốc tế Giải trừ Vũ khí hạt nhân (ICAN), thế giới hiện có 9 cường quốc hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.

Nhà nước Do Thái chưa từng công khai thừa nhận mình sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính nước này sở hữu khoảng 90 đầu đạn hạt nhân.

Cuối tháng trước, Nga đã công bố loạt đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân, trong đó cho phép nước này dùng vũ khí hủy diệt nếu bị không kích quy mô lớn.

Moskva nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để phòng thủ. Nga gần đây cũng nhất trí triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Nikolai Sokov, cựu nhà ngoại giao Nga và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, cho biết quyết định chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga cho Belarus cũng tương đương với hành động chia sẻ hạt nhân của Mỹ với các đồng minh châu Âu.

Theo nhà phân tích Sokov, Tổng thống Putin leo thang cảnh báo hạt nhân vì lo ngại phương Tây không coi trọng các lằn ranh đỏ của Moskva. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh việc Nga đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân cũng là một tín hiệu như vậy.

Nhưng những người khác coi hành động của Nga là động thái nới lỏng những điều cấm kỵ về sử dụng vũ khí hạt nhân. Cựu tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước chỉ trích Nga có những phát biểu "liều lĩnh" về hạt nhân.

NATO đáp lại bằng cách công khai thông báo về cuộc tập trận hạt nhân thường niên Steadfast Noon, gửi tín hiệu rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột nếu cần.

Hồi tháng 2 năm 2023, Tổng thống Putin ký thông qua luật đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moskva.

Giới quân sự tin rằng Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận không chính thức để duy trì giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà hai bên triển khai sau khi New START dự kiến hết hạn năm 2026.

Nhưng Washington được cho phải đối mặt với áp lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Một ủy ban do quốc hội bổ nhiệm năm ngoái khuyến nghị Mỹ phải chuẩn bị tăng cường lực lượng hạt nhân để ngăn mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Khả năng phát triển hạt nhân của Trung Quốc được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất, theo giới quan sát. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Trung Quốc có khoảng 500 đầu đạn và có thể đạt mức 1.500 vào năm 2035.

Elbridge Colby, quan chức Lầu Năm Góc dưới thời cựu tổng thống Donald Trump từng cho rằng Hàn Quốc nên xem xét mọi phương án khả thi, kể cả trang bị vũ khí hạt nhân, để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Cùng với đó, giới quan sát nhận định Triều Tiên cũng đang nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới, từ bán đảo Triều Tiên, chiến trường Ukraine cho đến Trung Đông, đã khiến một số nước xem xét nghiêm túc về kịch bản sở hữu vũ khí hạt nhân, dù đây từng được coi là điều cấm kỵ.

Giới chức Mỹ cho biết Iran có thể đủ khả năng chế tạo được vũ khí hạt nhân trong vài tháng. Điều này làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ có động thái tương tự nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu đang đứng bên bờ vực sụp đổ hơn bao giờ hết.

"Sự đồng thuận chung giữa các cường quốc về tầm quan trọng của nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân đã bị xói mòn. Tôi nghĩ chúng ta ít nhất sẽ thấy một thế giới với nhiều quốc gia có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân hơn", ông Rafael Grossi lo ngại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các em học sinh trường PTDT bán trú xã Bắc La huyện Văn Lãng

Thầy cô kiêm 'bảo mẫu'

GD&TĐ - Với nỗ lực chăm lo giáo dục con em đồng bào dân tộc, hệ thống các trường PT dân tộc nội trú, bán trú Lạng Sơn đạt nhiều kết quả ý nghĩa.