Dự án đó của cô bắt nguồn từ câu chuyện có thật ở một miền quê nghèo...
Dự án “lớn lên” từ câu hỏi ngây ngô
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, khi còn là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thị Song Trà một lần về quê chơi đã được nghe em bé hỏi: “Con được sinh ra từ đâu, tại sao bố mẹ lại sinh ra được em bé, yếu sinh lý là gì”, Trà đã nảy sinh ý định “dạy trẻ hiểu về chính bản thân mình, về giới”.
Cùng một niềm yêu thích trẻ nhỏ, tháng 8/2015, dự án “S Project - Dạy trẻ phòng chống xâm hại tình dục” ra đời với nhóm bạn trẻ chỉ có 4 thành viên.
Chồng chất những khó khăn khi bắt đầu từ 2 bàn tay trắng: Thiếu tài liệu, thiếu kinh phí, thiết nhân lực. Cả nhóm đã phải tự nghiên cứu, tìm đọc qua sách báo và lên kế hoạch xây dựng dự án.
May mắn thay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thấy được ý nghĩa của công việc mà học trò mình đang làm, thầy đã nhận lời làm cố vấn cho dự án.
Từ đó, S Project phải làm việc không mệt mỏi để tìm hiểu những kiến thức về giới tính, về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục và cách nhận biết.
Buổi học đầu tiên tại một trường THCS, khi bước vào lớp, học sinh “Ồ” lên và cười đùa khi nhìn thấy vóc dáng bé nhỏ của cô giáo trẻ. Nhưng khi bài giảng cất lên, tất cả học sinh lại “ngơ ngác” bởi những kiến thức và sự am hiểu của cô giáo trẻ.
Những câu hỏi về giới tính, về xâm hại, học sinh đều không hiểu rõ, có chăng cũng chỉ “lờ mờ” nhận biết. Bởi, các em vẫn luôn nghĩ xâm hại phải là sự va chạm xác thịt. Thế nhưng, xâm hại còn là sờ, đụng chạm hay cả những xâm hại khi sử dụng mạng xã hội…
Những câu hỏi dần được mở ra và các em hiểu hơn về chính bản thân mình, về cơ thể, về cuộc sống và cả những kỹ năng cần thiết nhất để bảo vệ bản thân.
Dần dần, S Project có những buổi dạy về giới tính đầu tiên tại nhiều trường tiểu học và THCS tại Hà Nội, đồng thời thu hút trẻ em tham gia qua cuộc thi vẽ tranh giáo dục giới tính - “Vẽ đi đừng ngại”… Hay tận dụng mạng xã hội, gửi thông điệp giáo dục giới tính cho trẻ em thông qua những video clip là một cách làm đang được công chúng đón nhận.
Những video quay từ phía sau, để họ kể lại câu chuyện của chính mình đã bị xâm hại ra sao, cũng là cách dự án truyền thông mạnh mẽ cho nhiều phụ huynh và trẻ em, cách bảo vệ con em mình trong bối cảnh xã hội nhiều phức tạp…
“Nói đi, đừng ngại”!
HS hào hứng với buổi học về giới do Song Trà thuyết trình. Ảnh: T.G. |
Không chỉ dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản, dự án này còn giúp các bậc phụ huynh gần gũi và hiểu con mình hơn, từ đó có những phương pháp giáo dục thích hợp và tránh những “tai nạn” không đáng có xảy ra.
Song Trà chia sẻ: “Với phương châm “Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại”, S Project hy vọng xóa bỏ mọi rào cản của trẻ em với bố mẹ, thầy cô, từ đó người lớn có thể trao đổi và dạy các em về giới tính. Ban đầu, dự án hướng tới trẻ có độ tuổi từ 9 - 12 tuổi, lứa tuổi có nhiều sự tò mò về giới tính nhất nhưng lại khó có khả năng nhận thức hay tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ xâm hại tình dục.
Để mang đến nhận thức đúng đắn về giới cho các em, ban tổ chức dự án thực hiện hoạt động giảng dạy, tổ chức các cuộc thi hay tạo những buổi talk show thẳng thắn về giới tính”.
Từ đó đến nay, đã 4 năm trôi qua, dự án cũng đã trải qua 4 mùa hoạt động, thành viên dự án đã tăng lên 60 người và trải dài cả 3 miền (Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội).
Giờ, những sinh viên sáng lập ra S Project đều đã trưởng thành và đi làm. Ai cũng có những công việc riêng nhưng vẫn coi S Project là sứ mệnh phải làm. Sau mỗi bài giảng, học sinh đều có kết quả rõ rệt khi các em thực sự hiểu và cảm nhận để phòng tránh.
Nói là vậy, nhưng nhìn lại những khó khăn đã trải qua, Song Trà cùng các bạn cũng đã trải qua không ít khó khăn tưởng chừng như dừng lại. Chính bố mẹ cũng cản trở Trà bởi sức khỏe của con gái yếu và muốn con tập trung vào việc học.
Thế nhưng, Trà cho rằng “Tạo hóa đã cho mình sự sống thì mình phải đóng góp cho cộng đồng”. Hơn nữa, được sự giúp sức của các cộng sự nên cô gái trẻ này không muốn dừng lại, dù những lúc khó khăn nhất “Khi các thành viên vẫn có thể đi tiếp, cớ gì mình là người sáng lập lại muốn dừng” - Trà chia sẻ.
Mỗi mùa tuyển thành viên cho Dự án, Trà đều “thử việc” họ. Bởi, nếu không thực sự yêu thích, dành tâm huyết thì sẽ không thể gắn bó lâu dài với nó. Hơn nữa, nếu tham gia chỉ để cho vui thì càng không thể bởi ở đó, những vất vả và áp lực không ít. Hạnh phúc mà nhóm nhận được là nụ cười của các em nhỏ, sự trưởng thành và thành thạo những kỹ năng bảo vệ bản thân.
Mới đây, S Project đã ra mắt Bộ quy tắc ứng xử an toàn dành cho trẻ em giúp phòng chống xâm hại tình dục. Trên trang web chính thức của dự án (sproject.org), có các chuyên mục để mỗi cá nhân, gia đình các trẻ em cùng lên tiếng, bảo vệ chính con em mình và các trẻ em khác, đã nhận được sự quan tâm của công chúng.
Hiện, dự án vẫn trên đà phát triển, tuy nhiên, khó khăn về tài chính vẫn khó vượt qua và ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung.
Trà đang làm việc tại Truyền hình Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để kết nối thành viên cả ba miền cũng chiếm khá nhiều thời gian của cô gái trẻ, thế nhưng, cùng những cộng sự, cô luôn muốn dự án của mình sẽ đến với nhiều trường học hơn nữa. Sắp tới, cô muốn mở rộng cơ sở lên các khu vực miền núi và nhân rộng mô hình để hoạt động.
Với mong muốn được chia sẻ những kiến thức về giới tính và xâm hại tình dục, cô không muốn xã hội còn những bức tranh buồn về nạo phá thai, mang thai khi mới 15 tuổi, hay quá khứ ám ảnh không dám nói ra khi bị xâm hại tình dục… Phương châm của S Project chính là “Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại”.