Từ năm 1986 - 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 650 Nhà giáo Nhân dân (NGND) và 9.081 Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). Tính riêng trong 3 đợt xét tặng (năm 2017, 2020 và 2023) - thực hiện theo Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 (Nghị định 27) quy định về xét tặng NGND, NGƯT - Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng 82 NGND và 2.696 NGƯT. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ với nhà giáo để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, một số quy định của Nghị định 27 đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ví dụ, chưa quy định chi tiết tiêu chuẩn cho từng đối tượng nên có một số nhà giáo, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục đặc thù, trường chuyên biệt không đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng. Chưa phân định rõ cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nên việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho nhóm đối tượng này không phù hợp thực tiễn.
Cách tính sáng kiến cấp tỉnh, Bộ; đề tài cấp tỉnh, Bộ; nhánh đề tài cấp Nhà nước không được thay thế cho nhau nên thiệt thòi cho nhà giáo. Quy định nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhưng thực tế trong ngành Giáo dục còn có danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giảng viên nghiệp vụ sư phạm giỏi, giáo viên, giảng viên đoạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi, hội thi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên...
Một số tiêu chuẩn còn mang tính hình thức và khó xác định. Một số nội dung về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, thành phần hội đồng còn bất cập trong quá trình thực thi…
Do đó, yêu cầu ban hành một Nghị định mới quy định về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT rất cần thiết. Là đơn vị được giao chủ trì việc này, trong năm 2022 và 2023, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng dự thảo Nghị định và lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện dự thảo… Ngày 2/4/2024, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP (Nghị định 35) quy định về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT được ban hành.
Nghị định 35 bảo đảm tính kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định 27; tiếp cận với các quy định tại Luật Giáo dục năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018; Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản khác; bảo đảm cập nhật các quy định mới phù hợp trong triển khai Nghị định.
Điểm mới quan trọng trong Nghị định 35 là tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Nghị định 27. Theo đó, quy định rõ hơn về cách tính thời gian xét tặng; xây dựng tiêu chuẩn xét tặng theo 7 nhóm đối tượng của các cấp học, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, trong đó một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo và bảng thành tích quy đổi.
Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi… Xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; chú trọng tới nhà giáo trực tiếp giảng dạy, giáo dục người học, nhà giáo dạy người khuyết tật.
Nghị định mới đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được xét tặng, cũng như các cấp hội đồng…
Có thể nói, Nghị định 35 đã khắc phục những hạn chế của Nghị định số 27 trong 3 lần xét tặng vừa qua; tạo căn cứ pháp lý, tạo điều kiện để các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tiêu chuẩn cụ thể để phấn đấu; cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục các cấp có căn cứ để xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến - những hạt nhân cho việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đợt tiếp theo, lần thứ 17 vào năm 2026.