Chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)

Động lực cống hiến: Bảo vệ nhà giáo trước mạng xã hội

GD&TĐ - Để xây dựng trường học hạnh phúc, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần, tạo môi trường làm việc thoải mái...

Thầy Lê Thanh Phú - giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) chụp hình cùng học sinh. Ảnh: NVCC
Thầy Lê Thanh Phú - giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) chụp hình cùng học sinh. Ảnh: NVCC

Đối diện với thị phi

Không khó bắt gặp câu nói, những đoạn clip ngắn được học sinh ghi lại trong quá trình giáo viên giảng dạy hoặc do chính giáo viên đăng tải trên mạng xã hội bỗng có lượt tương tác tăng đến “chóng mặt”. Nhiều giáo viên nổi tiếng chỉ sau một đêm “lên sóng”. Trong nhiều trường hợp, sự tương tác, số người theo dõi, lan tỏa của những đoạn clip đó thậm chí trở thành thước đo đánh giá đạo đức, nhân phẩm và tay nghề của giáo viên. Những áp lực từ dư luận, câu chuyện thị phi từ mạng xã hội gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà giáo.

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nhiều giáo viên chịu áp lực từ sự quá tải trong công việc, nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không cảm thấy được ghi nhận, không cân bằng cuộc sống và công việc hay áp lực từ xã hội, phụ huynh, học sinh và mạng xã hội… Những áp lực này ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe tâm thần của giáo viên.

Hiện nay, đa số trường học tạo điều kiện để học sinh có thể sử dụng thiết bị công nghệ trong nhà trường, phục vụ cho việc học. Một chiếc điện thoại thông minh hoàn toàn có thể ghi âm, ghi hình bài giảng, lời nói của giáo viên trên bục giảng.

Chia sẻ của một số học sinh theo học tại các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều bài giảng trên lớp các em nghe không kịp sẽ dùng điện thoại ghi âm hoặc quay lại, sau đó chia sẻ với nhau để bổ sung phần kiến thức còn thiếu.

Nói rõ hơn về câu chuyện này, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho biết, vì mong muốn tạo sự gần gũi và giúp học sinh hứng thú học tập, nhiều giáo viên cố gắng kể chuyện hài hước hoặc nói chuyện “teen code” (ngôn ngữ của giới trẻ) nhưng khi bị ghi âm và sử dụng cắt ghép vào mục đích xấu sẽ gây bất lợi. Hiện, các trang mạng xã hội được lập ra dễ dàng, học sinh có thể có hơn 10 tài khoản ảo trên mạng. Chỉ cần một sự việc không vừa lòng hay trái ý, ngay lập tức, các em có thể dùng những tài khoản ảo tấn công giáo viên.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh và học sinh đánh giá chất lượng giáo viên thông qua lượt thích hay số lượt tương tác, theo dõi trên mạng xã hội, điều này gây áp lực lớn ở giáo viên. Giỏi công nghệ nên anh T.N.L. (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân), thường xuyên sử dụng điện thoại, tìm hiểu giáo viên và theo dõi chương trình học cho con trên mạng xã hội. “Tôi xem còn thấy thích và hấp dẫn thì ngoài đời chắc chắn các cháu sẽ không bị nhàm chán. Phương châm của tôi là cứ giáo viên nổi tiếng, sẽ chọn cho con đi học”, anh L. nói.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân thì đánh giá, chính nhận thức của phụ huynh và học sinh khiến giáo viên có những chuyển biến, thay đổi cách tiếp cận, sử dụng mạng xã hội, nhưng “thị phi” từ mạng xã hội cũng bắt đầu. Nhiều thầy cô không làm chủ được việc sử dụng mạng xã hội đã bị “sa lầy” vào thế giới ảo, tự biến mình thành những KOL, liên tục cập nhật xu thế, đăng những bài giảng bắt theo xu hướng để câu lượt xem, lượt tương tác.

Khi nổi tiếng trên mạng xã hội, giáo viên đối diện áp lực “người của công chúng”, có nhiều nguy cơ rủi ro bởi các cuộc tấn công ngôn ngữ trên mạng xã hội. Ngoài ra, việc quá tập trung vào bài giảng trên mạng xã hội sẽ làm giáo viên mất cân bằng với việc dạy trực tiếp tại lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

bao-ve-nha-giao-truoc-mang-xa-hoi-2.jpg
Khó kiểm soát việc sử dụng các thiết bị điện tử của học sinh trong tiết học. Ảnh: Lâm Ngọc

Tấn công “ảo”, hậu quả thật

Xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc là điều mọi người mong muốn. Song, hạnh phúc không có nghĩa các hành xử, ứng xử không cần nội quy, nguyên tắc. Ở môi trường giáo dục, khi học sinh vi phạm nội quy, theo quy định nhà trường, giáo viên bắt buộc phải xử lý. Hình thức xử lý từ nhắc nhở, khiển trách, viết bản kiểm điểm, hoặc thậm chí đình chỉ học tập tùy theo mức độ vi phạm. Nếu hình thức xử lý không nhận được sự đồng thuận, cảm thông và thấu hiểu từ học sinh và phụ huynh, những vấn đề sau đó sẽ được đẩy thành câu chuyện nghiêm trọng.

Thầy Lê Thanh Phú - giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4), nhận định, học tập và giao tiếp của học sinh là quá trình cần sự nỗ lực đến từ ba phía: Nhà trường, gia đình và nhất là người học. Không thể vì học sinh ngoan hay hư đều là lỗi của nhà trường và giáo viên. Hiện nay, chỉ cần học sinh không đạt được kỳ vọng của phụ huynh thì lỗi do giáo viên.

Điển hình, nếu học sinh không hiểu bài, bị điểm kém, người ta dễ dàng đổ lỗi tại giáo viên dạy dở. Học sinh ngại giao tiếp, lỗi tại giáo viên không quan tâm. Học sinh thường xuyên vi phạm nội quy, lỗi do giáo viên không nghiêm khắc. Học sinh không nghe theo định hướng (môn, ngành học, nghề nghiệp) của gia đình, lỗi tại giáo viên không hỗ trợ….

bao-ve-nha-giao-truoc-mang-xa-hoi-1.jpg
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh, phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Ảnh: Lâm Ngọc

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân nói thêm, một góc cạnh khác trong đời sống học đường dễ tạo ra những “xung đột” giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Cụ thể, với học sinh cấp THPT, không thể tránh khỏi những tình yêu tuổi học trò. Phụ huynh luôn yêu cầu giáo viên phải giám sát kỹ các em về vấn đề yêu đương. Tuy nhiên, chỉ cần giáo viên nhắc nhở, yêu cầu các em tập trung học tập thì nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng đây là hành vi xâm phạm quyền tự do cá nhân, cư xử không tinh tế.

Áp lực đến sức khỏe tâm thần của giáo viên chưa dừng lại ở đó. Trước một vấn đề chưa thông hiểu giữa nhà trường và phụ huynh, thay vì phản ánh với đường dây nóng của trường, liên hệ trực tiếp ban giám hiệu hoặc trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp, nhiều phụ huynh chọn cách đăng lên mạng xã hội dưới hình thức ẩn danh.

Xã hội thường quan tâm nhiều đến sức khỏe tinh thần của học sinh, ngăn chặn bạo lực học đường với học sinh, nhưng giáo viên cũng có thể là nạn nhân của bạo lực, trong môi trường học đường hoặc trên mạng. Có nhiều giáo viên phải nghỉ dạy để điều trị tâm lý sau những cú sốc, gây tổn thương lớn cho bản thân.

Trước yêu cầu ngày càng cao của thời đại, phụ huynh, học sinh và nhất là trách nhiệm nghề nghiệp, người làm nghề giáo đang bị bủa vây bởi nhiều thước đo, dễ rơi vào những tình huống bị “khép tội”, lại không biết phải làm thế nào cho đúng.

bao-ve-nha-giao-truoc-mang-xa-hoi-4.jpg
Khuôn viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai), nơi có bệnh nhân từng làm nghề giáo đang điều trị do áp lực nghề nghiệp. Ảnh: Lâm Ngọc

Giữ vững đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp

BS.CKI Hoàng Thị Phượng - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) nhận định, xã hội càng phát triển, yêu cầu từ học sinh, phụ huynh càng cao. Môi trường sư phạm thay đổi khiến thầy, cô giáo thường xuyên đối mặt với áp lực, căng thẳng nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, việc bị tấn công từ không gian mạng có thể xảy ra đối với mọi người, lĩnh vực chứ không riêng nghề giáo.

Do đó, để giảm tải áp lực cho bản thân, nhất là thông tin từ các nền tảng mạng xã hội, mỗi cá nhân cần trang bị kỹ năng, chuẩn bị thái độ bình tĩnh để giải quyết sự việc. Không ít vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra trong môi trường sư phạm vì giáo viên phải chịu áp lực quá lớn, phải có trách nhiệm trước gia đình, nhà trường và xã hội về đạo đức của học sinh.

Sự căng thẳng quá mức dẫn tới giáo viên bị rối loạn các hoạt động thần kinh. Nếu kéo dài, giáo viên có thể mắc phải chứng suy nhược thần kinh, nặng hơn là bệnh thần kinh hoặc tai biến mạch máu não.

“Cốt yếu ở mỗi giáo viên cần giữ nhân phẩm trong sạch, có nghiệp vụ, chuyên môn vững sẽ hạn chế tối đa việc liên quan đến vấn đề tiêu cực; giảm được sự không hài lòng từ học sinh và phụ huynh; hạn chế việc trả thù trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Mỗi giáo viên cần tránh xa nền tảng mạng xã hội không chính thống, tập trung cố gắng trau dồi chuyên môn giảng dạy, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực sư phạm. Đặc biệt, nếu có dấu hiệu cần đến sớm các cơ sở y tế, các chuyên gia tâm lý thăm khám và chẩn đoán bệnh để sớm điều trị”, BS Phượng lưu ý.

Liên quan đến vấn đề này, ThS Lê Minh Huân - chuyên gia tâm lý học đánh giá, cần tuyên truyền các tác hại xấu, hành động vi phạm đạo đức, pháp luật trong việc ứng xử với giáo viên trên các phương tiện truyền thông, nhằm giáo dục ý thức toàn xã hội trong việc giao tiếp, ứng xử phù hợp với giáo viên.

Bên cạnh đó, xem xét đề xuất các điều luật cần thiết liên quan đến việc tấn công, bạo lực ngôn từ, xâm hại quyền riêng tư của giáo viên trên mạng xã hội, Internet, nhà trường, các đơn vị liên quan. Cùng đó, cần thiết lập nội quy nâng cao tinh thần “tôn sư trọng đạo” của học sinh và phụ huynh; quyết liệt xử lý các sai phạm và chấn chỉnh học sinh; làm việc nghiêm túc với phụ huynh nhằm đảm bảo hình ảnh người làm nghề dạy học.

Mỗi người khi chọn nghề giáo đều đã và đang nỗ lực dùng khả năng sư phạm, kiến thức chuyên ngành, tình yêu nghề, yêu trò để góp phần xây đắp một thế hệ trẻ thành công - thành nhân. Hạnh phúc của mỗi giáo viên là tạo niềm hạnh phúc cho học trò. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - đó là mong cầu của cả xã hội đối với ngành Giáo dục và cũng là mong cầu của mỗi người làm nghề giáo”. - Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP Hồ Chí Minh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: