Đề xuất không công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận chính thức:

Bảo vệ danh dự, uy tín người thầy

GD&TĐ - Theo luật sư, không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật...

Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: INT
Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: INT

Một trong những điểm mới mà dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất là không công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Nhân văn và phù hợp thực tiễn

Tán thành với đề xuất trên, cô Vũ Ngọc Lan - giáo viên Trường Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định) bày tỏ, điều đó thể hiện tính nhân văn, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra với nhà giáo. Dạy học là công việc đặc thù, giáo viên phải đối diện với nhiều áp lực và rủi ro. Có những việc do khách quan khiến nhà giáo mắc phải sai lầm. Đáng tiếc, khi sự việc chưa có kết luận chính thức, nhiều thầy, cô đã bị đưa lên mạng xã hội, báo chí khiến sự việc càng bị đẩy xa hơn. Vì thế cần thiết luật hóa vấn đề này, quy định về việc không được công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Mong muốn có quy định này từ lâu, cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) khẳng định, đề xuất của Bộ GD&ĐT phù hợp với thực tiễn; bởi lẽ, nếu chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền thì những thông tin tiêu cực có thể làm tổn hại đến uy tín, danh dự và sức khỏe nhà giáo.

Thực tế, có trường hợp bị dư luận, mạng xã hội “ném đá”, trách móc khiến cô giáo bị trầm cảm; thậm chí nghĩ đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Đến khi cơ quan có thẩm quyền kết luận, cô giáo không sai phạm, mọi oan ức được gột rửa nhưng tổn thất về tinh thần không thể bù đắp. Vì thế, cô Hà Thị Thu cho rằng, quy định không được công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền là hợp tình, hợp lý.

Xét trong bối cảnh thực tế, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đề xuất của Bộ GD&ĐT là phù hợp, với cách tiếp cận nhân văn. Nhiều vụ việc có thể giải quyết nhưng lại được dư luận lan truyền trên mạng, dù đó là thông tin một chiều; thậm chí còn “thêm mắm, thêm muối” khiến sự việc thêm “nóng”. Vô hình trung làm ảnh hưởng xấu đến ngành Giáo dục và hình ảnh người thầy.

bao-ve-danh-du-uy-tin-nguoi-thay-2.png
Cô Vũ Ngọc Lan - giáo viên Trường Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cần thiết để bảo vệ nhà giáo

Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Đề xuất này nhằm bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhà giáo và phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật.

Thực tế cho thấy, không phải trường hợp nào người tố giác cũng đúng. Đặc biệt, những thông tin bước đầu chưa được xác minh, đăng tải một chiều trên mạng xã hội và chưa có cơ sở nào xác định đúng hay sai. Khi công nghệ phát triển những hình ảnh cắt ghép, sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo có thể khiến xuất hiện những tin giả, sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, thời gian qua, không ít vụ việc hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng của cơ sở giáo dục, giáo viên nhưng bị đăng tải lên mạng xã hội với những nội dung bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý. Khi thông tin chưa đầy đủ, sẽ tạo dư luận xấu, có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý người trong cuộc.

Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn, Điều 10 Luật Tố cáo quy định, người bị tố cáo có quyền “được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật; được phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật”.

“Pháp luật cũng quy định, những thông tin trong quá trình xác minh của cơ quan điều tra, thông tin thanh tra chưa có kết luận thanh tra là thông tin mật, không được phép công bố để bảo vệ bí mật Nhà nước, đời tư cá nhân. Bởi vậy quy định không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, quy định không công khai thông tin sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức không phải là dung túng, tiếp tay cho sai phạm, mà bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo; đồng thời bảo vệ quyền nhân thân, hình ảnh, bí mật đời tư và giảm bớt hệ lụy tiêu cực từ những vấn đề xã hội. Khi có kết luận chính thức, xác định có sai phạm thì vi phạm đến đâu, xử lý đến đó theo quy định pháp luật, không có ngoại lệ.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Bộ GD&ĐT cho biết, ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật đề xuất, không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.

Có ý kiến băn khoăn về quy định không được “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng, quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, quy định này cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo mang tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn cả người học.

Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường, giáo viên vi phạm pháp luật là những trường hợp cá biệt, không vì một vài trường hợp mà làm ảnh hưởng đến uy tín cả ngành, lĩnh vực. Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của giáo viên là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người thầy, phù hợp với truyền thống tôn sư, trọng đạo người Việt Nam. Khi người thầy không được bảo vệ thì vấn đề đạo đức xã hội sẽ bị xem nhẹ, khó có được tôn ti trật tự, văn hóa và ổn định xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...