Đồng loạt đổi thẻ ATM sang thẻ chip, khách hàng có mất phí?

Hơn 20 ngân hàng đăng ký thực hiện chuyển đổi với NAPAS nhưng mới có 7 ngân hàng đủ điều kiện thực hiện giai đoạn đầu.

7 ngân hàng lớn bắt đầu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip từ ngày 28/5. Ảnh: Tạ Tôn
7 ngân hàng lớn bắt đầu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip từ ngày 28/5. Ảnh: Tạ Tôn

Từ ngày mai (28/5), 7 ngân hàng gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank bắt đầu phát hành thẻ ATM gắn công nghệ chip đầu tiên tại Việt Nam, có tính bảo mật cao hơn. Vấn đề đặt ra là khách hàng có phải trả phí?

7 ngân hàng đủ điều kiện chiếm 70% thị phần thẻ

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, đến nay đã có hơn 20 ngân hàng đăng ký thực hiện chuyển đổi với NAPAS nhưng mới có 7 ngân hàng trên đủ điều kiện thực hiện giai đoạn đầu. Tuy nhiên, số lượng thẻ ATM của 7 ngân hàng này đã chiếm tới khoảng 70% tổng số khoảng 75 triệu thẻ trên cả nước. Theo lộ trình được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu, trong năm nay các ngân hàng phải chuyển đổi được 30% lượng thẻ và hoàn tất quá trình chuyển đổi vào năm 2021.

Về chi phí phát hành thẻ được nhiều người dân quan tâm, chủ trương của NHNN là tổ chức phát hành thẻ sẽ tự chịu trách nhiệm và khách hàng sẽ không phải trả phí. Tuy nhiên, với những ngân hàng có số lượng thẻ phát hành lớn, chi phí là bài toán khó, làm sao không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo được cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, chi phí phôi thẻ chip cao hơn nhiều so với phôi thẻ từ hiện tại (từ 7 đến 10 lần). Các ngân hàng sẽ cân nhắc áp dụng mức phí phát hành chuyển đổi cho phù hợp. Bên cạnh Vietcombank, một số ngân hàng cho biết sẽ miễn phí cho các khách hàng truyền thống, khách hàng mới sẽ được cân nhắc trên cơ sở đánh giá của ngân hàng về mức độ khai thác khách hàng. Một số ngân hàng khẳng định sẽ miễn phí cho toàn bộ khách hàng.

Đại diện Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho rằng, mỗi ngân hàng có số lượng thẻ khác nhau. Các ngân hàng phải cân đối chi phí chuyển đổi sao cho đảm bảo hiệu quả và không ảnh hưởng đến hệ thống chấp nhận thẻ hiện tại. “Để đảm bảo hiệu quả về chi phí, ngân hàng sẽ chia thành nhiều giai đoạn, ưu tiên chuyển đổi cho khách hàng có giao dịch thường xuyên trước. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ có kiến nghị tới NHNN để làm việc với các đối tác cung cấp phôi thẻ áp dụng mức phí sàn phù hợp với các ngân hàng có số lượng chuyển đổi thẻ lớn”, lãnh đạo Vietcombank thông tin.

Còn đối với phí dịch vụ, lãnh đạo Vietcombank cũng khẳng định, về nguyên tắc, các phí dịch vụ khác không thay đổi do sản phẩm chỉ thay đổi về công nghệ thẻ.

Cơ hội thanh toán lĩnh vực giao thông

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Khối Nghiên cứu phát triển NAPAS cho biết, ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa, chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu và không thể làm giả, do đó sẽ khắc phục tình trạng thẻ bị đánh cắp dữ liệu, làm giả thẻ để rút trộm tiền.

Con chip trên thẻ có tính năng như máy tính thu nhỏ, sẵn sàng tích hợp các ứng dụng trong nhiều ngành ngoài ngân hàng như y tế, giao thông… theo xu hướng 4.0. Do đó, sau khi ra thị trường, các thẻ không tiếp xúc sẽ hỗ trợ tích cực cho các giao dịch thanh toán dịch vụ công, đặc biệt là thanh toán trong giao thông như thanh toán không dừng, thanh toán khi đi xe buýt. Do đó, có thể coi việc sử dụng thẻ chip là cơ hội mở rộng dịch vụ cho cả ngành ngân hàng và giao thông.

Theo ông Minh, với thẻ không tiếp xúc, chủ thẻ không cần nhập mã PIN, không cần ký xác thực mà chỉ cần cầm thẻ chạm vào thiết bị chấp nhận thanh toán (ngay cả khi thẻ để trong ví). Thời gian thanh toán của thẻ này tối đa là 300 mili giây, thậm chí đạt được tốc độ khoảng 150-200 mili giây cho mỗi giao dịch (mỗi lần chạm), hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn thanh toán trong giao thông công cộng (tiêu chuẩn dưới 300 mili giây). Do đó, khách hàng sẽ giảm được thời gian, thao tác, không lo lộ mã PIN, chi phí xã hội theo đó cũng sẽ giảm rất nhiều, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Do tính thuận tiện này nên thẻ không tiếp xúc phù hợp với những giao dịch có giá trị nhỏ, tốc độ nhanh như thanh toán vé xe buýt, mua sắm tại siêu thị... nên Napas đề xuất ngưỡng thanh toán cho mỗi giao dịch “một chạm” tối đa là 1 triệu đồng, cộng dồn 3 giao dịch “một chạm” (3 triệu đồng) thì khách hàng phải xác thực một lần. Theo ông Minh, đây là mức khung do NAPAS đề xuất, còn ngưỡng giá trị thanh toán cụ thể sẽ do mỗi ngân hàng phát hành thẻ quy định.

Phó Tổng Giám đốc NAPAS cũng cho biết, với vai trò chuyển mạch thẻ đến thời điểm này NAPAS đã chuẩn bị hạ tầng và sẵn sàng nguồn lực, quy trình, nghiệp vụ cũng như kỹ thuật để hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi khoảng 75 triệu thẻ ATM sang thẻ chip.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.