Đồng hành cùng ngành giáo dục triển khai các phong trào thi đua yêu nước

GD&TĐ - Suốt chặng đường 70 năm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với phương châm tất cả vì học sinh thân yêu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khởi đầu từ phong trào thi đua “Hai tốt”

Phong trào thi đua “Hai tốt” được triển khai từ năm 1961 với nội dung cốt lõi là “Dạy tốt - Học tốt”, đã có sức lan tỏa rộng khắp, tạo khí thế thi đua sôi nổi góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Giáo dục. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi, học sinh giỏi.

Năm 2016, phong trào được cụ thể hóa với nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” được thành lập trong các trường học với nhiều đề tài, sáng kiến đổi mới. Các sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã đóng góp vào sự phát triển của ngành Giáo dục và nền kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định vai trò, vị thế nhà giáo Việt Nam.

Cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” được Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động từ năm học 1993 - 1994 nhằm đẩy mạnh dân chủ hóa trường học, cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy dân chủ cơ sở.

Năm 2004, cuộc vận động “Dân chủ - kỉ cương - tình thương - trách nhiệm” được triển khai sâu rộng trong toàn ngành, phát huy những phẩm chất cao quí của cán bộ nhà giáo, người lao động, phát huy tài năng, trí tuệ, trách nhiệm và tấm lòng nhân ái, tình thương yêu đối với học sinh với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt đã có sức lan tỏa rộng rãi
Phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt đã có sức lan tỏa rộng rãi

Ngoài ra, cuộc vận động nhằm chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp; thực hiện dân chủ cơ sở; đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, giữ vững kỷ cương học đường và xây dựng các mối quan hệ thân thiện, hài hòa, môi trường sư phạm trong các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục. 

Năm 1979, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” được phát động. Đây một sáng kiến có giá trị, mang đậm tính nghề nghiệp, được Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai với hai yêu cầu chủ yếu là giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức người thầy; nâng cao năng lực của người thầy giáo về giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh. 

Năm 2007, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” với nội hàm mới: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Cuộc vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, đẩy lùi các tiêu cực trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học. Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Năm 2000, Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu vùng xa, xây nhà công vụ giáo viên” được triển khai nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các nhà giáo, nhà trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Cuộc vận động đã lan tỏa tinh thần vì đồng nghiệp. Từ cuộc vận động đã xuất hiện các phong trào “Đồng nghiệp giúp đỡ đồng nghiệp”; “Phòng giúp phòng”, “Trường giúp trường”, “Nhà giáo giúp đỡ nhà giáo” phát huy tính nhân văn, lòng nhân ái của nhà giáo, nhà trường, tình đồng nghiệp được gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong chuyên môn và đời sống.

Phong trào Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã mang lại những kết quả tích cực
Phong trào Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã mang lại những kết quả tích cực

Triển khai các phong trào thi đua với nội hàm mới

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, thực hiện Nghị quyết 29/TƯ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với phương châm “đi tìm những câu trả lời mới cho những vấn đề không mới”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tiếp tục tổ chức, triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động với nội hàm mới.

Đó là các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Theo đó, những nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” được thành lập và thành quả là các đề tài, sáng kiến đổi mới hướng đến việc thay đổi của nhà giáo vì chất lượng giảng dạy và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhiều công trình, sáng kiến, sáng chế khoa học được ứng dụng vào sản xuất và đời sống có giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Minh chứng cho sự thành công của quá trình đổi mới là việc ngày càng nhiều trường đại học có tên trong các bảng xếp hạng chất lượng trong khu vực và trên thế giới.

Với tinh thần đổi mới, Đại hội XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đột phá bằng những chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Đã có hàng trăm cuộc hành trình của những cán bộ công đoàn ngành Giáo dục đến với những người thầy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tuyến; tham gia xây dựng các chính sách cho nhà giáo, tổ chức những diễn đàn "Giáo viên trong thời đại hiện nay - những áp lực vô hình”; “Đồng hành cùng nhà giáo”; “Công đoàn với tự chủ đại học” để  kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ nhà giáo trong cả nước, tạo động lực cho mỗi thầy cô trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các chương trình chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, tư vấn phát thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên, tặng quà đã làm ấm lòng nghĩa tình đồng nghiệp. Những cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo tiêu biểu là diễn đàn để học sinh sinh viên và cộng đồng bày tỏ tình cảm, sự trân quý và biết ơn đối với hy sinh lặng thầm của các nhà giáo.

Phát huy truyền thống 70 năm đồng hành vì sự nghiệp giáo dục, trong thời gian tới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn Giáo dục các cấp để tập hợp thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ nhà giáo.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.