70 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Trong 70 năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành cùng ngành Giáo dục, tổ chức nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, động viên nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chặng đường vẻ vang của Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Ngay từ khi mới thành lập, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã xác định việc chuyển hướng giáo dục từ một nền giáo dục thuộc địa sang một nền giáo dục mới: “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Chương trình công tác giai đoạn này tập trung thúc đẩy đoàn viên làm nhiệm vụ chuyên môn; đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục.

Công đoàn đã vận động giáo viên tự tăng gia cải thiện đời sống, giúp nhau soạn bài, tham gia xóa mù chữ cho người dân, bám trường, bám lớp, khuyến khích giúp nhau soạn bài, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời động viên, khích lệ các thầy, cô giáo vừa giảng dạy, xóa mù chữ vừa tham gia sản xuất, vừa tham gia chiến đấu; tích cực tham gia xây dựng hệ thống trường, lớp học, vận động học sinh đến lớp...

Sau hòa bình lập lại, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực như động viên giáo viên miền xuôi lên công tác tại vùng cao, hăng hái tham gia phong trào diệt giặc dốt, xây dựng tinh thần “Hướng về miền Nam ruột thịt”, nâng cao ý thức của giáo viên về nhà trường XHCN, về vị trí, vai trò của người thầy giáo trong chế độ mới.

Công đoàn Ngành đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp với nội dung: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Hai tốt” của Trường Bắc Lý, Cẩm Bình, trường Thanh niên XHCN Hòa Bình...  Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo công đoàn cơ sở vận động giáo viên củng cố cơ sở vật chất trường lớp; tự bồi dưỡng chuyên môn; học tập chính trị, tư tưởng về nhà trường dân chủ mới.

Bên cạnh đó, Công đoàn vận động giáo viên sẵn sàng lên đường vào Nam chiến đấu và xây dựng nền giáo dục cách mạng thời kỳ chống Mỹ cứu nước; động viên gần 3000 nhà giáo lên đường vào miền Nam. Vận động, tuyên truyền và hỗ trợ giáo viên, học sinh đảm bảo an toàn; vừa dạy, vừa tham gia chiến đấu, đưa giáo dục cách mạng đến với người dân Nam Bộ.

Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Giai đoạn này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cùng với Bộ GD&ĐT huy động sức mạnh của toàn ngành, ổn định tư tưởng đội ngũ giáo viên, củng cố bộ máy quản lý giáo dục các cấp, xây dựng và bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho giáo viên, động viên giáo viên từ miền Bắc vào chi viện cho giáo dục các tỉnh phía Nam.

Trong những năm trước đổi mới, trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cùng với Bộ GD&ĐT thực hiện cuộc vận động “xã hội hóa giáo dục”, thành lập Hội đồng giáo dục và tổ chức Đại hội giáo dục các cấp, động viên, tổ chức, phối hợp, sử dụng hợp lý các lực lượng xã hội tại địa phương để phát triển giáo dục theo chủ trương cải cách của Đảng và Chính phủ.

Trong giai đoạn đổi mới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai sâu rộng cuộc vận động “dân chủ hóa trường học”, tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân,  đổi mới việc tổ chức Đại hội công nhân viên chức trong các trường học theo một quy trình tương đối hoàn chỉnh; tạo không khí Đại hội công khai, đối thoại, cởi mở, thẳng thắn.

70 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng ngành Giáo dục
70 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng ngành Giáo dục

Vững tin bước vào giai đoạn mới

Trong những năm 2000, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/TW, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng trong toàn Ngành các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 40 - CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Công đoàn Giáo dục các cấp đã có những biện pháp cụ thể, sáng tạo, thực hiện một cách có hiệu quả thực chất cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” và các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chuyên môn thực hiện tốt cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong các hoạt động của trường học, xây dựng và hoàn thiện các quy chế nội bộ làm cơ sở để bảo vệ và thực hiện một cách công khai, dân chủ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong Ngành.

Tổ chức các hoạt động tôn vinh nhà giáo, nghề giáo; thực hiện bình đẳng giới, phong trào thi đua nữ nhà giáo “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên trẻ; đặc biệt là vận động đội ngũ nhà giáo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo, tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới.

Công đoàn còn tham mưu, phối hợp xây dựng các bộ Luật, Nghị định, Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp học; góp ý phương án đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, đổi mới chương trình sách giáo khoa...

Trong chặng đường 70 năm theo chiều dài của lịch sử dân tộc, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển của giáo dục nói riêng và đất nước nói chung. Phát huy truyền thống đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vững tin bước vào giai đoạn mới với phương châm hoạt động vì cán bộ, nhà giáo, người lao động, vì một nền giáo dục chất lượng và hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ