Đồng hành cùng lớp xóa mù ở rẻo cao

GD&TĐ - Ngày nhận công tác giảng dạy lớp xoá mù chữ, cô Lường Thị Châm dành toàn bộ tâm huyết để có bài giảng hay, khuyến khích học viên đến lớp.

Một tiết học của cô Lường Thị Châm và các học viên ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ảnh NVCC.
Một tiết học của cô Lường Thị Châm và các học viên ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ảnh NVCC.

Dùng tấm lòng của người bạn để giảng dạy

Hai năm gắn bó với lớp xoá mù chữ ở bản Ten Hon (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), cô Lường Thị Châm - giáo viên Trường PTDTBT TH & THCS Tênh Phông hiểu những thiệt thòi của người không biết chữ gặp phải, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, mỗi giờ lên lớp cô luôn tận dụng mọi thời gian để giảng dạy kiến thức và chia sẻ thêm những kinh nghiệm về cuộc sống, chăm sóc gia đình, định hướng con cái cho học viên.

Cô Châm tâm sự: “Khi lên lớp thay vì dùng tâm thế của người giáo viên để dạy, tôi sẽ dùng suy nghĩ, trò chuyện như người bạn với các học viên. Tạo cho họ cảm giác thoải mái, không bị áp lực hay cảm thấy xa cách, tự ti khi đã lớn tuổi mới bắt đi học đọc, viết”.

Bên cạnh đó, để học viên tiếp thu bài học hiệu quả, cô Châm đã phân loại học viên để giảng dạy, Song hành với đó, cô áp dụng phương pháp “người biết nhiều bày cho người biết ít, người biết ít bày cho người chưa biết” để học viên cùng động viên, dìu dắt nhau tiến bộ. Nhờ vậy nhiều hôm dẫu đã quá giờ học nhưng ánh đèn trên lớp học vẫn còn sáng, tiếng của các học viên vẫn vang vọng cả khung trời.

Cô Châm cho biết: “Học viên tôi giảng dạy là người dân tộc thiểu số, người lớn tuổi nhất sinh năm 1966 mắt đã kém; người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1993 đang thực hiện thiên chức làm mẹ. Họ là những lao động chính trong nhà, tuy nhiên tất cả đều rất ham học do vậy, tôi luôn linh hoạt thời gian giảng dạy để học viên có thể tham gia đầy các buổi học”.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở bản Ten Hon (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh NVCC.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở bản Ten Hon (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh NVCC.

Luôn quan tâm tới học viên

Theo cô Châm, học viên lớp xoá mù chữ cũng như học sinh lớp 1, luôn cần sự quan tâm, động viên, khích lệ từ giáo viên khi họ tiến bộ. Với những bài khó, người dạy phải hướng dẫn tỉ mỉ, chia nhỏ câu hỏi để học viên làm. Bên cạnh đó, nhiều người họ rất ham học nhưng vì gia đình khó khăn, mỗi lần đi vận động cô Châm luôn cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của từng học viên, qua đó nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của học viên, tuyên truyền, động viên khích lệ học viên ra lớp.

“Nhiều học viên tâm sự với tôi, khi họ đi làm căn cước công dân, vay vốn ngân hàng tự tay mình ký vào hồ sơ. Hay khi đi chợ, họ biết tính toán giá cả, giao tiếp thành thạo tiếng phổ thông đó là điều mà lâu nay họ không có được nên rất hạnh phúc và tự tin”, cô Lường Thị Châm chia sẻ.

Thầy Mai Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH & THCS Tênh Phông cho biết: "Sau khi nhận nhiệm vụ mở 4 lớp xoá mù trên địa bàn xã Tênh Phông, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phổ cập xoá mù chữ. Theo đó, để triển khai hiệu quả, nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương đến từng nhà huy động học viên từng bỏ học và học viên chưa biết chữ tham gia lớp xoá mù.

Đồng thời, linh động tổ chức lớp học để tạo điều kiện cho học viên đi học đầy đủ. Thời gian học từ 19 giờ đến 21h30 giờ các ngày trong tuần. Đối với giáo viên, chúng tôi lựa chọn người tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm để giảng dạy. Những giáo viên giảng dạy lớp xoá mù sẽ được tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa cũng như tham gia tập huấn”.

“Sau một thời gian học, họ biết đọc, biết viết bản thân mỗi người phấn khởi, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp hơn. Bên cạnh đó, lớp xoá mù cũng không chỉ là lớp học mà còn là nơi anh chị em chia sẻ về cuộc sống, cùng nhau trao đổi về cách làm kinh tế”, cô Lường Thị Châm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ