Phân giai đoạn để giảng dạy hiệu quả
Xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn là một xã vùng 3, với 99% là người dân đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu dựa vào trồng rừng. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ người dân mù chữ mức 1, mức độ 2 khá nhiều.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, để thực hiện xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục huyện Văn Quan và Trung tâm học tập cộng đồng xã Lương Năng đã mở lớp xóa mù chữ cho người dân.
Theo ông Hoàng Mạnh Hải, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn: “Sau khi nắm bắt được tình hình, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn các xã thực hiện công tác điều tra phổ cập, điều tra số người dân chưa biết chữ trên địa bàn xã. Trong quá trình điều tra, tuyên truyền cho người dân hiểu vai trò, giá trị của việc biết chữ, đồng thời, tiến hành mở lớp xóa mù chữ cho người dân”.
Ông Hải cũng cho biết thêm: “Để công tác xoá mù hiệu quả chúng tôi đã phân thành hai giai đoạn giảng dạy. Giai đoạn 1 là những người chưa biết đọc, chưa biết viết và chưa học hết lớp 3.
Giai đoạn 2 là những người học chưa học hết lớp 5, với mục tiêu giúp cho những người chưa biết chữ được đến lớp học, chương trình học 3 môn Tiếng việt, Toán và khoa học tự nhiên”
Do đối tượng học là những người trong độ tuổi lao động vì vậy, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đã quyết định linh hoạt trong thời gian, địa điểm, hình thức học nhằm giúp cho người học được thuận tiện.
Quang cảnh buổi khai giảng. |
Xoá mù để phát triển kinh tế
Lớp xoá mù được tổ chức ở xã Lương Năng có 16 học viên, các học viên đều chưa biết đọc, biết viết.
Phấn khởi khi tham gia vào lớp xoá mù, chị Lô Thị Tuyết, dân tộc Khơme (xã Nương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho hay: “Nhà tôi chủ yếu làm rừng, tôi muốn vay vốn để phát triển kinh tế cho gia đình. Nhưng bản thân không biết chữ, biết viết vì vậy khi đi lên ngân hàng vay vốn rất khó khăn. Tôi không đọc hiểu những quy định về lãi suất của ngân hàng đưa ra, không tính biết tính lãi suất hàng tháng.
Bên cạnh đó,hiện nay, làm rừng cũng cần có kiến thức, biết kỹ thuật chăm sóc mà tôi không biết chữ để đọc, nghiên cứu các kỹ thuật nên khi cây giống có sâu bệnh không biết”.
Chị Tuyết cho biết thêm: “Tôi muốn xoá mù để phát triển kinh tế cho gia đình, tự mình ký vào các giấy tờ cá nhân hay vay vốn ngân hàng”.
Theo ông Hoàng Văn Hình, Bí thư đảng ủy xã Lương Năng: “Khi mở lớp xoá mù này người dân có cơ hội học tập, nâng cao hiểu biết và nhận thức. Đặc biệt, người dân sẽ hiểu và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi, trồng sản xuất. Thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, kém hiệu quả như trước đây.
Ngoài ra, lớp xoá mù còn mở ra với thời gian, địa điểm linh hoạt để người học chủ động sắp xếp lịch học, công việc gia đình để tham gia rất thuận lợi. Đặc biệt, các học viên được hỗ trợ vật phẩm, kinh phí”.
“Tôi hi vọng với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ sẽ giúp xoá mù cho những người chưa biết chữ. Mục đích để họ có cơ hội học hành để thay đổi tư duy, nhận thức và phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương”, ông Hoàng Văn Hình, Bí thư Đảng ủy xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.