Nỗ lực xoá mù chữ để giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Công tác xoá mù chữ không chỉ giúp người dân ở các vùng khó khăn trau dồi kiến thức, văn hóa mà còn góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững.

Cô Đinh Thị Oanh, tỉnh Điện Biên, trao đổi với học viên lớp xoá mù chữ. Ảnh: NVCC.
Cô Đinh Thị Oanh, tỉnh Điện Biên, trao đổi với học viên lớp xoá mù chữ. Ảnh: NVCC.

Phá vỡ rào cản trong lớp xoá mù

Dù năm nay là năm đầu tiên cô Đinh Thị Oanh, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, tham gia giảng dạy tại lớp mù chữ nhưng nữ giáo viên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Cô Đinh Thị Oanh chia sẻ: “Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tôi cho rằng cần phải làm bạn với họ trước khi muốn giảng dạy. Vì thế, người giáo viên cần gần gũi, thân thiện. Thay vì chỉ đứng trên bục giảng để nói, thì xuống từng bàn, tiếp xúc, trao đổi, giao lưu với học viên nhiều hơn.

Tôi thường tranh thủ đến sớm hoặc những khoảng thời gian giải lao ngắn ngủi để trò chuyện, hỏi họ về ngày hôm nay thế nào. Rồi gia đình có việc gì vui, chuyện buồn, lo nghĩ… Từ những tâm sự đó, tôi hiểu học viên, còn họ cũng cởi mở hơn với tôi. Khi đã phá vỡ được những rào cản này thì việc giảng dạy cũng thuận lợi hơn.”

Theo cô Oanh, với học viên xoá mù không thể máy móc trong triển khai giáo án và các hoạt động dạy học được. Mỗi giáo viên cần linh hoạt trong bài giảng, dạy theo nhu cầu của học viên. Trong đó, các kiến thức cốt lõi cần đạt thì phải đảm bảo. Còn lại, dựa trên việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu học viên để giảng dạy có hiệu quả tốt nhất.

Trong lớp học xoá mù cũng có người tiếp thu nhanh, có người chậm. Vì thế, giáo viên phải phân loại học viên ra thành nhiều nhóm khác nhau để tổ chức dạy và khuyến khích học viên giúp đỡ học viên.

Tuy nhiên, sau một thời gian dạy xoá mù, cô Oanh trăn trở việc duy trì sĩ số, chất lượng học viên bởi học viên lớn tuổi nhận thức chậm hơn so với học sinh phổ thông. Hơn nữa, là giáo viên dân tộc Kinh, dạy học viên dân tộc Thái tại địa phương nên cô Oanh còn gặp khó khăn về bất đồng ngôn ngữ.

Khó khăn của cô Oanh cũng là câu chuyện của các thầy cô giáo đang dạy xoá mù chữ. Để “mang chữ về bản”, ngành Giáo dục các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đến từng địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Học viên lớp xoá mù tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, được cấp kinh phí và dụng cụ học tập. Ảnh: NVCC.

Học viên lớp xoá mù tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, được cấp kinh phí và dụng cụ học tập. Ảnh: NVCC.

Tháo gỡ khó khăn

Là huyện vùng núi nằm ở phía Tây Nam, tỉnh Lạng Sơn, Văn Quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp xoá mù chữ cho người dân.

Nhấn mạnh công tác xoá mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, chia sẻ: Hàng năm Phòng Giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ, triển khai đến các đến các trường, các xã; đồng thời, thực hiện rà soát số lượng người chưa biết chữ trong độ tuổi 15-60 tuổi trên địa bàn. Phòng cũng tăng cường vận động người dân đi học các lớp xóa mù chữ.

Giáo viên giảng dạy lớp xoá mù chữ là các thầy cô giáo cấp tiểu học, THCS và mầm non. Họ là những người có trách nhiệm, tâm huyết và phương pháp giảng dạy dành riêng cho việc xóa mù. Huyện cũng vận động thầy cô giáo về hưu tham gia phong trào xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện, lan tỏa tinh thần hiếu học cho người dân trên địa bàn.

Về phía tỉnh, Lạng Sơn luôn quan tâm đến công tác xóa mù chữ trên địa bàn. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù; hỗ trợ thiết bị, máy móc cho học viên được học và ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ người học cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình.

Kết quả, mỗi năm Phòng Giáo dục mở 3 lớp xóa mù chữ với trên 60 học viên tham gia. Các học viên có thái độ học tập tích cực.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trao đổi với học sinh phổ thông.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trao đổi với học sinh phổ thông.

Ghi nhận những khó khăn trong quá trình triển khai xoá mù chữ, ông Ngô Văn Hiền nêu tái mù có thể diễn ra sau khi người dân đã tham gia học lớp xóa mù chữ giai đoạn 1.

Để hạn chế tình trạng trên, huyện Văn Quan thực hiện các giải pháp như: duy trì các lớp xoá mù giai đoạn 1, mở lớp giai đoạn 2 cho học viên. Giáo viên giao bài tập cho học viên sau khi kết thúc khóa học; huy động lực lượng là người thân của người học để giúp đỡ học viên tiếp tục đọc thông, viết thạo, tính toán và ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Một khó khăn khác là học sinh diện nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thường xuyên đối mặt với nguy cơ bỏ học. Ông Ngô Văn Hiền cho hay, để giảm thiểu tình trạng trên, Phòng GD&ĐT, với sự chỉ đạo của các ban, ngành, đã hướng dẫn các trường miễn toàn bộ các khoản đóng góp phục vụ học sinh đối với các em gia đình hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Các trường kêu gọi nhà hảo tâm, mạnh thường quân tài trợ, hỗ trợ kinh phí, xe đạp, sách vở, cặp, đồ dùng dạy học cho các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới. Nhà trường bố trí nấu bữa trưa miễn phí và phòng ở tại trường cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xa để các em yên tâm học tập.

"Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, hiện nay 100% học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường học tập đầy đủ và duy trì sĩ số hàng ngày. Không em học sinh nào phải bỏ học vì điều kiện khó khăn", ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.