Đóng góp đầu năm học: Đến hẹn lại… lo!

GD&TĐ - Bước vào năm học mới, nhiều bậc phụ huynh lại “nơm nớp” lo chuyện đóng nộp đầu năm học. Nhất là khi, năm học này, tiền học phí của các bậc học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tăng, có sự chênh nhau, phân vùng theo khu vực thành thị, nông thôn và dân tộc thiểu số.

Cô và trò ở điểm Trường Mầm non bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Cô và trò ở điểm Trường Mầm non bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Các bậc học đều tăng học phí

Từ năm học 2022 - 2023, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa quy định mức học phí đối với các bậc học được phân thành 3 khu vực khác nhau, gồm: Thành thị, nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mức học phí đối với các bậc học đều tăng khá cao, thậm chí bậc THCS ở vùng nông thôn, học phí tăng gấp đôi.

Theo đó, đối với bậc học mầm non, bắt đầu từ năm học này, trẻ ở khu vực thành thị phải đóng học phí 300.000 đồng/trẻ/tháng. Khu vực nông thôn là 100.000 đồng/trẻ/tháng và khu vực dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/trẻ/tháng.

Ngoài ra, bậc học mầm non còn phải đóng góp một số khoản, mà HĐND tỉnh Thanh Hóa mới quy định từ năm học mới này, gồm: Tổ chức bán trú 140.000 đồng/trẻ/tháng. Thuê khoán người nấu ăn bán trú 75.000 đồng/người/tháng. Dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ 12.000 đồng/trẻ/tiết.

Dạy học làm quen tiếng Anh 12.000 đồng/trẻ/tiết đối với người dạy là giáo viên Việt Nam và 30.000 đồng/trẻ/tiết đối với người dạy là giáo viên nước ngoài. Chăm sóc trẻ trong các ngày nghỉ, ngày hè là 45.000 đồng/trẻ/tháng. Vệ sinh trường lớp 15.000 đồng/trẻ/tháng. Mua đồ dùng bán trú với học sinh mới tuyển là 400.000 đồng/trẻ/năm, những năm tiếp theo là 200.000 đồng/trẻ/năm.

Như vậy, chỉ tính khoản chi theo quy định, đầu năm học mới đối với trẻ đầu cấp phải đóng góp số tiền không ít. Ngoài ra, chưa kể đến việc phụ huynh phải chi phí các khoản, như: Quần áo đồng phục, giày dép, tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, các loại quỹ phụ huynh…

Đối với bậc tiểu học, học sinh ở khu vực thành thị được quy định là 300.000 đồng/HS/tháng. Khu vực nông thôn là 100.000 đồng/HS/tháng và dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/HS/tháng. Đây là mức quy định để làm căn cứ Nhà nước hỗ trợ học phí cho HS bậc tiểu học.

Mặc dù, HS tiểu học không phải đóng học phí, tuy nhiên phụ huynh phải lo các khoản đóng góp theo quy định, gồm: Học thêm 7.000 đồng/HS/tiết; tổ chức bán trú 140.000 đồng/HS/tháng; thuê khoán người nấu ăn bán trú 75.000 đồng/HS/tháng.

Tiền dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ 12.000 đồng/HS/tiết; dạy tiếng Anh giáo viên là người Việt Nam 12.000 đồng/HS/tiết, giáo viên là người nước ngoài 30.000 đồng/HS/tiết. Tiền trông HS tiết cuối buổi chiều là 92.000 đồng/HS/tháng; trông giữ xe đạp 20.000 đồng/HS/tháng; sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng/HS/năm. Tiền nước uống là 12.000 đồng/HS/tháng; học phẩm phục vụ thi, kiểm tra 63.000 đồng/HS/năm; vệ sinh trường, lớp 15.000 đồng/HS/tháng…

Đối với bậc THCS mức học phí khu vực thành thị là 300.000 đồng/HS/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/HS/tháng và khu vực dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/HS/tháng.

Ngoài ra, HS bậc THCS còn phải đóng các khoản: Học thêm 6.000 đồng/HS/tiết; tổ chức bán trú 140.000 đồng/HS/tháng; thuê khoán người nấu ăn bán trú 75.000 đồng/HS/tháng; dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ 12.000 đồng/HS/tiết. Tiền gửi xe đạp 20.000 đồng/HS/tháng; tiền gửi xe đạp điện, xe máy, xe máy điện 40.000 đồng/HS/tháng; sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng/HS/năm; nước uống 12.000 đồng/HS/tháng; học phẩm phục vụ thi, kiểm tra 84.000 đồng/HS/năm...

Học sinh tiểu học được miễn học phí, nhưng vẫn còn nhiều khoản đóng góp khác khiến phụ huynh “nơm nớp” lo khi bước vào năm học mới.

Học sinh tiểu học được miễn học phí, nhưng vẫn còn nhiều khoản đóng góp khác khiến phụ huynh “nơm nớp” lo khi bước vào năm học mới.

Đối với bậc THPT khu vực thành thị, phải đóng học phí với mức là 300.000 đồng/HS/tháng; khu vực nông thôn là 200.000 đồng/HS/tháng; khu vực dân tộc thiểu số là 100.000 đồng/HS/tháng.

Ngoài ra, học sinh THPT còn phải đóng các khoản, gồm: Học thêm 7.000 đồng/HS/tiết; tổ chức bán trú 140.000 đồng/HS/tháng; thuê khoán người nấu ăn bán trú 75.000 đồng/HS/tháng; dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ 12.000 đồng/HS/tiết.

Tiền gửi xe đạp 20.000 đồng/HS/tháng; tiền gửi xe đạp điện, xe máy, xe máy điện 40.000 đồng/HS/tháng; sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng/HS/năm; nước uống 12.000 đồng/HS/tháng; thuê bao tài khoản học, ôn luyện thi trực tuyến 100.000 đồng/HS/năm; học phẩm phục vụ thi, kiểm tra 84.000 đồng/HS/năm.

Con vào năm học mới, cha mẹ “nơm nớp” lo

Theo tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ, ngoài các khoản phải đóng góp do HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản khác khi bước vào năm học mới. Thậm chí, các năm học trước, có nhiều trường ở địa phương này thu đến hàng chục khoản tiền. Vì thế, nhiều phụ huynh lại “nơm nớp” nỗi lo mỗi khi con vào năm học mới.

Chị Nguyễn Thị Thảo, ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), cho biết: Gia đình có 2 con học THCS. Để chuẩn bị cho các con vào năm học mới, vợ chồng chị phải chắt bóp chi tiêu hàng ngày.

“Ngoài các khoản thu theo quy định, đầu năm học mới, có trường thu tới hàng chục khoản tiền khác. Từ tiền vận động xã hội hóa, quỹ Hội cha mẹ học sinh, tiền mua sắm trang phục, sách vở, tiền quỹ lớp, bảo hiểm y tế… bắt buộc cha mẹ phải có 1 khoản tiền khá lớn. Gia đình nào có 1 con đi học còn đỡ, còn gia đình có 2 hoặc 3 con đi học, vào đầu năm học là cả vấn đề lớn”, chị Thảo trầm ngâm nói.

Còn chị Trịnh Thị Vân, ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) có 2 con đang học THCS và THPT. “Chỉ tính riêng tiền học phí, vợ chồng tôi phải lo cho các cháu vài triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản đóng góp khác mà nhà trường sẽ kêu gọi xã hội hóa. Nhẩm tính sơ qua, đầu năm học mới, vợ chồng tôi phải lo gần chục triệu để đóng góp cho 2 con ăn học. Trong khi đó, ở nông thôn, đa phần là các hộ làm nông nghiệp, nên cuộc sống chưa khá giả”, chị Vân phàn nàn.

Từ năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban Đại diện cha mẹ HS để thu các khoản thu ngoài quy định.

Những khoản tiền mà ngành Giáo dục Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục không được “lạm thu”, gồm: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng yêu cầu các nhà trường không thu đóng góp của cha mẹ HS để phục vụ chi thường xuyên, như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường học ở địa phương này vẫn tổ chức thu tiền bằng nhiều hình thức khác nhau. Do đó, nỗi lo của bậc phụ huynh mỗi khi có con chuẩn bị bước vào đầu năm học, vẫn là chuyện không thể tránh khỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ