Định hướng cảm xúc xói mòn yêu thích văn chương
Cô Hoàng Thị Tâm, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Dewey (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: Dạy-học Ngữ văn hiện nay có nhiều thay đổi tích cực hơn so với khoảng 10 năm trước - tương ứng với một thế hệ người học. Tuy nhiên, thay đổi đó chưa diễn ra trọn vẹn, hoặc phổ biến ở tất cả trường học, môi trường học tập.
Dạy-học Ngữ văn đòi hỏi sự tôn trọng cảm xúc của chính tác giả, cũng như của người tiếp nhận tác phẩm, người học. Tuy nhiên, theo cô Hoàng Thị Tâm, thực tế vẫn tồn tại việc giáo viên định hướng hoặc yêu cầu học sinh tiếp nhận tác phẩm, kết luận về cảm xúc, suy nghĩ của tác giả một cách khiên cưỡng.
Chính vì thế, dù có năng lực nghệ thuật, tiếp nhận tác phẩm văn học theo góc nhìn riêng một cách hợp lí, thuyết phục, học sinh nhiều khi vẫn không có cơ hội hoặc không dám nói lên tiếng nói của riêng mình. Và sẽ đáng tiếc hơn nữa khi đó là tiếng nói của trái tim tràn đầy lòng đồng cảm và tư duy sáng tạo.
Cô Hoàng Thị Tâm cũng nhận định, văn mẫu tồn tại lâu năm trong nhà trường đã khiến nhiều thế hệ học sinh ghét môn Văn - Tiếng Việt vì không được nói, biểu đạt suy nghĩ của mình mà phải nói theo, nói như văn mẫu.
Theo đó, tư duy độc lập và sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của học sinh ít hoặc không được chú trọng trau dồi, rèn luyện. Đơn giản như, học sinh chỉ viết được bài văn về tác phẩm đã ôn luyện, nếu gặp tác phẩm mới tinh sẽ không biết làm thế nào để phân tích hay biểu đạt suy nghĩ của mình.
“Tại Dewey, hoạt động dạy học Văn - Tiếng Việt có nhiều khác biệt. Thay vì bình luận về nội dung trong bài học, chia sẻ quan điểm sau khi đọc xong tác phẩm, học sinh sẽ thảo luận để lên ý tưởng cho vở kịch để hiện thực hóa một tác phẩm văn học, hay làm video, poster, hùng biện…”, cô Hoàng Thị Tâm chia sẻ.
Thay vì tập trung vào hình thức đọc - chép, giáo viên giảng để học sinh áp dụng theo khuôn mẫu, học sinh được chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ, quan điểm của riêng mình. |
Thay đổi trong cách dạy và học Văn
Để học sinh có một thái độ đúng đắn với học Ngữ văn - Tiếng Việt, học cách cảm thụ văn học hiệu quả và chủ động sáng tạo trong văn chương đòi hỏi những thay đổi trong cách dạy Văn - Tiếng Việt của giáo viên, nhà trường.
Nhấn mạnh điều này, cô Hoàng Thị Tâm chia sẻ kinh nghiệm từ The Dewey Schools: Chương trình học Văn - Tiếng Việt được nhà trường xây dựng dựa trên các năng lực nền tảng, giúp học sinh phát triển dần theo từng cấp độ, xuyên suốt qua từng cấp học. Phương pháp chủ đạo là đi lại con đường của người nghệ sĩ.
Theo đó, ở cấp tiểu học, học sinh học về đồng cảm - phẩm chất của người nghệ sĩ, nền tảng để sáng tác tác phẩm nghệ thuật. Tiếp đó là học các thao tác nghệ thuật: tưởng tượng, liên tưởng, bố cục.
Với lòng đồng cảm và các thao tác nghệ thuật, học sinh có thể tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, hội họa…
Từ bậc trung học, học sinh vận dụng các thao tác nghệ thuật được trang bị cùng lòng đồng cảm của bản thân để giải mã tác phẩm nghệ thuật: trữ tình, tự sự, kịch. Cao hơn nữa, học sinh từ lớp 9 bắt đầu tập nghiên cứu về tác phẩm nghệ thuật.
Với cách học này, theo cô Hoàng Thị Tâm, học sinh được đồng cảm với người nghệ sĩ sáng tác ra tác phẩm nghệ thuật, đồng cảm với nhân vật trong tác phẩm và có đủ công cụ, phương pháp để tự tìm ra thông điệp, ý nghĩa của tác phẩm.
“Thay vì tập trung vào hình thức đọc - chép, giáo viên giảng để học sinh áp dụng theo khuôn mẫu, học sinh được chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ, quan điểm của riêng mình. Đặc biệt, các bạn được lựa chọn cách thức thể hiện điều đó.
Ví dụ, khi học sinh lớp 8 được yêu cầu giải mã truyện lịch sử " Thiếp chàng đôi ngả" của Nguyễn Triệu Luật, các em có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật thể hiện quan điểm, hiểu biết của mình. Đơn cử như một bài thơ về tình yêu nhiều bi kịch của 2 nhân vật chính là Trần Đông Du và Trịnh Văn Trúc; một kịch bản chi tiết về cái chết của nhân vật Trần Đông Du; một bài tiểu luận về bi kịch tư tưởng của Trần Đông Du hay một video bàn luận về yếu tố lịch sử và hư cấu trong tác phẩm…” - cô Hoàng Thị Tâm chia sẻ.
Học sinh thuyết trình dự án lấy điểm môn Ngữ văn. |
Đa dạng cách đánh giá
Trong quá trình học cũng như đánh giá tiến trình học tập, sự linh hoạt trong hình thức và đa dạng nội dung là cách các thầy cô sử dụng để giúp học sinh phát huy năng lực văn học, năng lực sáng tạo một cách toàn diện và tổng hòa. Căn cứ theo nội dung học, học sinh được đánh giá qua sản phẩm học tập đa dạng như: bài tiểu luận, video, bài thuyết trình, sản phẩm chuyển thể như kịch, thơ…
Với hình thức đặc biệt của các dự án học tập trong môn Văn - Tiếng Việt, thay vì được đánh giá trên thang điểm 10 như những bài kiểm tra chuẩn thông thường, cô Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội đồng Khoa học và sư phạm The Dewey Schools, cho biết, học sinh được đánh giá theo từng tiêu chí cụ thể ứng với mỗi thể loại sản phẩm.
Cụ thể, đối với sản phẩm là tiểu luận, tiêu chí đánh giá sẽ là cách các em tư duy chọn đề tài, khả năng xây dựng dàn ý, viết thành công tiểu luận và bảo vệ những luận điểm đưa ra trong tiểu luận trước lớp.
Đối với hạng mục làm video theo nhóm, các em được đánh giá dựa trên ý tưởng cho video, kịch bản tự viết, quá trình quay phim, dựng phim, làm đồ họa và ý thức khi làm việc nhóm.
Đây cũng là cách kiểm tra đánh giá đặc biệt tại The Dewey Schools. Vượt qua khuôn khổ của điểm số hay thành tích, cách học tập này giúp thầy cô và phụ huynh đánh giá đúng năng lực, sở trường của học sinh, và giúp các em có niềm yêu thích thực sự với môn học này.
“Học sinh được chủ động sáng tạo, trao quyền để quyết định trải nghiệm học tập của mình. Các thầy cô không chỉ nỗ lực hướng dẫn, truyền cảm hứng cho Học sinh mà còn nỗ lực bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại. Những bài tiểu luận của các em có thể còn vụng về, những thước phim tự làm có thể còn chưa tới, nhưng vẫn thể hiện rõ sự tiến bộ so với chính bản thân mình trước kia.
Trên tất cả, những trải nghiệm có được trong quá trình thực hiện dự án là điều quý giá nhất, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để có những bước tiến xa hơn trong hành trình học tập và trưởng thành của mình.”, cô Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ.