Học Ngữ văn qua sáng tác truyện tranh

GD&TĐ - Cho học sinh sáng tác truyện tranh là một trong những cách đổi mới học tập môn Ngữ Văn tại trường Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội).

Cô Phạm Thị Quý giảng dạy trong giờ học Ngữ Văn lớp 6.
Cô Phạm Thị Quý giảng dạy trong giờ học Ngữ Văn lớp 6.

Không còn là những tiết học thông thường trong lớp, đọc, phân tích, ghi chép về tác phẩm, các học sinh được chia theo nhóm và cùng nhau phân công công việc như đọc kĩ tác phẩm, tìm những đoạn hội thoại hay, những nét chính của tác phẩm và bắt đầu vẽ truyện tranh. Khi hoàn thành, học sinh nộp sản phẩm về cho giáo viên, sau đó sẽ thuyết trình trước lớp về tác phẩm.

Học sinh hào hứng trong giờ học Ngữ văn.

Học sinh hào hứng trong giờ học Ngữ văn.

Sau khi học xong hai văn bản truyện đồng thoại trong chủ đề “Tôi và các bạn”, cô giáo Phạm Thị Quý, giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Ban Mai-Hà Đông hướng dẫn học trò thành lập nhóm, tổ chức hoạt động học tập tích cực “Chuyển thể văn bản truyện vừa học thành tác phẩm truyện tranh”.

Ban đầu, học sinh còn bỡ ngỡ, nhưng sau khi được cô động viên và gợi mở, các nhóm có thể tóm tắt nội dung văn bản bằng sơ đồ tư duy, chọn những chi tiết tiêu biểu trong văn bản để đưa vào lời thoại nhân vật hoạt hình…

Sản phẩm của học sinh trong giờ học Ngữ văn.

Sản phẩm của học sinh trong giờ học Ngữ văn.

Hoạt động này giúp học sinh yêu thích môn Ngữ văn, đặc biệt thay đổi được tâm lí không thích đọc tác phẩm văn học nhiều chữ và chỉ mê đọc truyện tranh của đa số học sinh.

Dù là truyện tranh, nhưng nguyên thể đều là những tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa. Các học sinh rất tuân thủ “bản gốc” vì vậy ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu chứ không phải là thứ ngôn ngữ cộc lốc. Đây cũng chính là một hoạt động vận dụng trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng của chương trình phổ thông mới.

“Qua hoạt động học tập tích cực này, học sinh vừa được khắc sâu nội dung bài đã học, đồng thời phát huy được sự sáng tạo của học sinh, tích hợp liên môn mĩ thuật, rèn kĩ năng tư duy tóm tắt sự việc, kĩ năng sử dụng từ ngữ... Học sinh học được cách tạo lập nhóm, hợp lực và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để hoàn thành sản phẩm một cách độc đáo, sáng tạo nhất”- cô Phạm Thị Quý chia sẻ.

Sản phẩm của học sinh trong giờ học Ngữ văn.

Sản phẩm của học sinh trong giờ học Ngữ văn.

Tham gia tiết học, học sinh Nguyễn Thanh Dung, lớp 6A1 cho biết rất hào hứng với cách học chuyển thể văn bản truyện thành tác phẩm truyện tranh.

“Ban đầu, con gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng chúng con đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Phương pháp học tập này giúp con tiếp thu bài hiệu quả, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc hơn.” - Nguyễn Thanh Dung cho hay.

Trong giờ học, học sinh không chỉ sáng tạo khi viết lời thoại cho nhân vật, mà còn sáng tác tranh vẽ, thể hiện năng khiếu hội họa, phát triển năng lực thẩm mĩ. Trong phần thuyết trình, học sinh cũng rất tự tin, phát huy được năng lực làm việc nhóm, kĩ năng cần thiết khi phân chia công việc, tổng hợp kiến thức và biên tập lời thoại nhận vật.

Cách đổi mới học tập môn Ngữ Văn giúp người học hiểu bài một cách cặn kẽ hơn, nội dung bài học trở nên phong phú và không khí học tập rất vui vẻ khiến cho học sinh càng thêm yêu thích môn Văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ