Đổi mới cách đánh giá học sinh với môn Ngữ văn
Thầy Lê Quang Trọng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (đảo Phú Quý, Bình Thuận) đánh giá cao chủ trương đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT, phù hợp với xu hướng giảng dạy ở các nước có nền giáo dục phát triển.
Nhà trường đã yêu cầu tổ Ngữ văn chủ động nghiên cứu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ đó chi tiết một số điểm để đổi mới trước, nhất là trong việc ra đề cho khối 10. Trong đó, yêu cầu “cứng” là không sử dụng văn bản trong SGK của tất cả các bộ sách. Chú trọng dạy học sao cho học sinh hình thành được kỹ năng, từ đó các em có thể vận dụng kỹ năng để đọc, hiểu, phân tích, cảm nhận (viết) một văn bản bất kỳ nào đó.
“Nhìn chung, thầy cô chịu khó thay đổi, triển khai với tâm thế thoải mái. Hiện các giáo viên Ngữ văn của nhà trường đang tìm hiểu một số dạng đề của giáo dục Trung Quốc và Pháp để học hỏi, rút kinh nghiệm.” - thầy Lê Quang Trọng cho hay.
Liên quan đến nội dung này, ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: Phòng GD&ĐT đã có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông gửi các nhà trường.
Lưu ý trong đổi mới đánh giá học sinh, phòng GD&ĐT yêu cầu việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
Nguyên tắc này phải được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong phương án kiểm tra, đánh giá trong mỗi kế hoạch bài dạy (giáo án).
Cùng với đó, tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới, tạo cơ hội để học sinh khám phá tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới, gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe. Yêu cầu này cũng phải được thể hiện trong kế hoạch bài dạy (giáo án), đề kiểm tra các lớp học
Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc lòng bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Phòng GD&ĐT khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét đánh giá sản phẩm của học sinh cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật. - Ông Trịnh Ngọc Hải
"Mỗi trường bắt buộc phải xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì. Đánh giá thường xuyên chú trọng đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu, báo cáo kết quả thực hành; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.” - ông Trịnh Ngọc Hải cho hay.
Tại trường THCS Tân Phương (Thanh Thủy, Phú Thọ), cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thảo cho biết: Nhà trường đã triển khai thực hiện công văn của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đối với lớp 6, 7 (thực hiện theo Chương trình GDPT 2018). Đối với lớp 8, 9, khuyến khích giáo viên vận dụng với mục tiêu phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy và logic của học sinh.
Để học sinh làm quen với cách kiểm tra, đánh giá mới, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ động linh hoạt vận dụng trong quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên, áp dụng đối với các bài kiểm tra định kỳ (gồm cả kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ).
Để giúp giáo viên xây dựng được đề kiểm tra, đánh giá như hướng dẫn, nhà trường đã có những biện pháp hỗ trợ như: Cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, về đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn do Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tổ chức; tham gia sinh hoạt chuyên môn liên trường; đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn; tập trung trao đổi thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, động viên giáo viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng. Đồng thời trong năm học, nhà trường có kế hoạch xây dựng ngân hàng đề kiểm tra của trường từ đó tạo sự chủ động, đảm bảo tính chính xác, khách quan trong công tác kiểm tra.
Học sinh Trường THCS Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội hào hứng học Ngữ văn qua hoạt động sáng tác truyện tranh. |
Tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học Ngữ văn
Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể các nhà trường trong đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học môn học này.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Thực hiện kế hoạch dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các phòng GD&ĐT thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá của đơn vị trực thuộc. Các cơ sở giáo dục hướng dẫn, chỉ đạo theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá của giáo viên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Các nhà trường được lưu ý tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn đối với môn Ngữ văn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Sở GD&ĐT cũng đã lưu ý cụ thể các nhà trường đối với công tác dạy học và ôn tập môn Ngữ văn lớp 9; công tác dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Trong đó, ngay từ đầu năm học và trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, cơ sở giáo dục có học sinh thi tốt nghiệp THPT cần chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn Ngữ văn xây dựng kế hoạch dạy và ôn tập lớp 12 phù hợp thực tiễn đơn vị và bám sát yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, trao đổi các nội dung, các phương pháp dạy và ôn thi tốt nghiệp lớp 12. Xây dựng ngân hàng đề, bảng đặc tả, ma trận, đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở giáo dục có cấp THPT trên địa bàn tỉnh về công tác dạy học và ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.” - bà Bùi Thị Kim Tuyến cho biết thêm.
Để xây dựng được đề kiểm tra, đánh giá như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cô Lê Thị Thu Thảo cho rằng, đòi hỏi giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, kiến thức tốt, có vốn sống phong phú, thường xuyên cập nhật những vấn đề mới, có tính thời sự…