Đồng bằng Sông Cửu Long: “Nóng” nhu cầu điều dưỡng viên

GD&TĐ - Điều dưỡng là ngành luôn có nhu cầu nhân lực cao, không chỉ phục vụ thị trường ngoài nước mà ngay tại Việt Nam, tỷ lệ điều dưỡng viên trên bệnh nhân thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN. Đây được xem là nghề có nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ trong hiện tại và tương lai.  

Đào tạo Điều dưỡng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ
Đào tạo Điều dưỡng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ

Có việc làm ngay sau tốt nghiệp

Là sinh viên năm thứ 2 Khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Nguyễn Thị Ánh Kim chia sẻ: Trong một lần bị bệnh, em được các bác, các cô trong viện chăm sóc tận tình, chu đáo. Điều này mang lại cho em một ấn tượng tốt và yêu thích nghề. Lựa chọn điều dưỡng vì nghề sẽ giúp em có công việc ổn định, có việc làm ngay cùng với cơ hội ra nước ngoài làm việc để có thu nhập tốt hơn. Gia đình em cũng rất ủng hộ vì ngành chăm sóc sức khỏe là nhu cầu rất thiết thực của nhiều gia đình.

Khi đăng ký vào học, nhà trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm ở các bệnh viện sau tốt nghiệp. Chương trình đào tạo của trường bám sát thực tế, sinh viên được thực tập tại Bệnh viện Cần Thơ. Chính vì vậy, em tin tưởng mình sẽ có cơ hội tìm được việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Nguyễn Thị Hồng Linh, giáo viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ cho biết: Theo học điều dưỡng, các em cần có định hướng rõ ràng cho bản thân. Đặc thù ngành điều dưỡng đòi hỏi sự tỷ mỷ, khéo léo trong việc chăm sóc người bệnh từ kỹ thuật chuyên môn đến khả năng giao tiếp. Nếu không yêu nghề, sẽ rất khó gắn bó và không thực hiện tốt được công việc. Ngay từ khi bắt đầu vào học, sinh viên sẽ được cung cấp thông tin về các môn học, biết được những khó khăn cụ thể, các em sẽ phải trực đêm, tham gia các ca cấp cứu, áp lực từ người bệnh và cả thân nhân của họ… tất cả đều phải đòi hỏi sự nhanh nhẹn, chu đáo.

Chưa đáp ứng đủ nhân lực

Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhu cầu đào tạo nhân lực ngành điều dưỡng đang rất cao. Bà Trần Thu Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ cho biết: Năm 2018, hầu hết các ngành đào tạo hệ cao đẳng đã đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Ngành đạt chỉ tiêu cao nhất là điều dưỡng. Nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước hiện rất lớn, tuy nhiên số lượng điều dưỡng viên vẫn chưa thể đáp ứng đủ.

Điều dưỡng viên của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực về trình độ chuyên môn, nhưng kém hơn về những kỹ năng mềm, giao tiếp, ứng xử, thích nghi… Thấy được vấn đề này, nhà trường đã đổi mới nội dung đào tạo, đánh giá sinh viên thông qua thực hành, thi tình huống thực tế để thấy được năng lực thực sự của mỗi sinh viên.

Hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng viên trên người bệnh của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN, cùng với tình trạng già hóa dân số dẫn đến nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng trở nên bức thiết. Tương lai, ngành này sẽ càng nóng hơn bởi nhu cầu của thị trường lao động nước ngoài. 

Nhà trường đã ký kết với 5 cơ sở và đang xúc tiến ký kết với 8 cơ sở y tế khác, đây là sự liên kết tạo thuận lợi cho việc đưa sinh viên đến thực hành. Các bác sĩ tại bệnh viện đến thỉnh giảng tại trường, trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, giảng dạy ở môi trường lâm sàng và quản lý sinh viên. Chính các thầy cô đó cũng tham gia khâu đánh giá chất lượng sinh viên.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng, quy mô đào tạo của trường hiện nay là hơn 4.000 học sinh, sinh viên, trong đó hai ngành điều dưỡng và dược chiếm hơn 2.000 sinh viên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 1.000 học sinh, sinh viên, nhà trường đã tuyển vượt hơn so với kế hoạch.

Một số ngành dự kiến sẽ xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, ra trường có việc làm sau 6 tháng là 85%. Khá nhiều tập đoàn, bệnh viện nước ngoài đã ký kết các hợp đồng với trường, sẵn sàng tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.